Phong thủy Hà Nội

Xem Phong Thủy Đoán Mệnh Nước Việt (tiếp theo)

Thăng long Hà Nội 1000 năm
Thăng long Hà Nội 1000 năm

HÀ NỘI: là thành phố nằm gần như ngay tại trung tâm của đồng bằng Bắc Việt, trên dải đất hẹp giữa con sông Hồng ở phía Ðông và sông Tô Lịch ở phía Tây. Ðối với Phong thủy, dải đất này chính là chân long, là nơi kết tụ được nhiều nguyên khí của địa hình sông, núi ở chung quanh. Nhờ vậy, Hà Nội sẽ luôn luôn nắm được những vai trò quan trọng về chính trị và kinh tế đối với đất nước, chẳng những thế, trong các thời kỳ hưng vượng còn sản sinh ra những lãnh tụ tài ba, những anh hùng kiệt xuất. Nếu nhìn lên bản đồ miền Bắc, ta sẽ thấy những con sông lớn như sông Cầu, sông Gầm, sông Lô ở phía Bắc; sông Ðà, ở phía Tây, sau khi chảy qua nhiều nơi cuối cùng đều nhập vào sông Nhị Hà chảy về Hà Nội. Xa xa, dọc theo biên giới Việt-Hoa, những dãy núi trùng trùng, điệp điệp xuất phát từ miền Nam Trung Hoa đâm thẳng xuống dọc theo các phía Tây Bắc, Bắc và Ðông Bắc, tất cả cũng đều như muốn hướng về. Ðây chính là thế “núi sông chầu phục” của Hà Nội, một địa thế Phong thủy tuyệt đẹp đến nỗi không một thủ đô nào của các nước trong vùng Ðông Nam Á Châu, (kể cả thành Bắc Kinh của Trung Hoa) có thể so sánh được. Không những thế, ngoài xa nơi phía Ðông và Ðông Nam, Hà Nội còn được đại thủy của vịnh Bắc Việt và Thái Bình Dương chiếu tới nên thần lực rất lớn, xứng đáng là thủ đô muôn đời của một quốc gia văn hiến hùng mạnh.

Bản đồ TP Hà Nội mở rộng (ảnh Báo Ảnh VN)
Bản đồ TP Hà Nội mở rộng (ảnh Báo Ảnh VN)

Nếu đem địa thế núi, sông, biển cả vừa kể trên đối chiếu với Lạc Thư, ta sẽ thấyVận 1 chỉ là giai đoạn trung bình của Hà Nội. Vì mặc dù khu vực phía Bắc có nhiều sông ngòi tức là phạm phải cách “Phục Ngâm”, bị sát khí xâm phạm, nên sẽ đem đến nhiều tai ương, loạn lạc. Nhưng tại đây cũng có nhiều dãy núi đâm thẳng xuống đem theo nhiều vượng khí nên chưa đến nỗi, vẫn còn nhân tài có khả năng ổn định, xoay chuyển được thời cuộc. Bước sang Vận 2, tình thế mỗi lúc một suy thoái hơn, vì khu vực phía Tây Nam của Hà Nội tuy chỉ có sông Mã tức là bị “Phục Ngâm” trong trường hợp nhẹ. Nhưng phía đối diện (Ðông Bắc) lại có núi đồi trùng điệp tức là bị “Phản Ngâm”, sát khí từ nơi đó sẽ tràn tới, khiến cho đất nước ngày càng trở nên hỗn loạn. May mà tại đây (khu vực phía Ðông Bắc) cũng có nhiều sông ngòi chằng chịt tức là đắc “Chính thủy”, vượng khí vẫn còn đến với Hà Nội nên chưa đến nỗi bị suy vong. Qua các Vận 3, 4, đại thủy của vịnh Bắc bộ và Thái bình Dương nơi phía Ðông và Ðông Nam sẽ tạo ra cách “Phục Ngâm”, sát khí quá nặng nề, nên sẽ đưa đất nước ta vào tình trạng yếu kém, tàn tạ hơn bao giờ hết. Phải đến khi bước vào Vận 5, nhờ địa thế “núi sông chầu phục”, vượng khí của Hà Nội mới bắt đầu bùng lên mãnh liệt, và cùng với nó là sức mạnh và tinh thần quật khởi của dân tộc. Qua Vận 6, Hà Nội sẽ phải đương đầu với những cuộc chiến tranh cực kỳ ác liệt, do các sông lớn như Nhị Hà, sông Ðà đều bắt nguồn từ phía Tây Bắc, nguồn nước lại rất lớn nên phạm phải cách “Phục Ngâm” rất nặng. May là cũng tại phía Tây Bắc lại có những mạch núi rất dài, rất cao tiến xuống, cuốn theo vượng khí ngút trời, đủ sức để trấn áp sát khí nên Hà Nội sẽ vượt qua được mọi thử thách để đi đến chiến thắng. Nói chung là trong Vận 6, ngay cả những thế lực hùng mạnh bậc nhất trên thế giới mà đụng đến Hà Nội cũng đều sẽ rước lấy những thất bại thảm hại, ê chề. Ðến Vận 7, những con sông Ðà, sông Mã ở phía Tây Hà Nội sẽ tạo ra nhiều sát khí (bị “Phục Ngâm”). Nhưng ngoài xa nơi phía Ðông lại có vượng khí của đại thủy mênh mông chiếu tới, lấn át được sát khí, nên tuy hay bị những biến động về chính trị, nhưng là một giai đoạn tương đối yên lành, sung túc. Sang Vận 8, Hà Nội sẽ bước vào giai đoạn cực thịnh, sản sinh ra những lãnh tụ tài ba đem lại thanh bình và vinh quang cho đất nước.?Trong giai đoạn này tuy cũng có chiến tranh xảy ra, do khu vực phiá Ðông Bắc có rất nhiều sông ngòi chằng chịt. Nhưng cảnh thái bình, thịnh trị, sẽ nhanh chóng được tái lập vì vượng khí của các dãy núi trong khu vực Ðông Triều-Cẩm Phả sẽ đem đến cho Hà Nội rất nhiều may mắn, thuận lợi. Sang tới Vận 9, thời kỳ hưng vượng vẫn tiếp tục được duy trì, cho tới khi bước sang Vận 1 thì những mầm mống loạn lạc mới bắt đầu tái diễn trở lại.

Nếu nhìn lại lịch sử thì ngay từ thời Bắc thuộc, một số tướng lãnh cai trị Trung Hoa có tầm hiểu biết sâu rộng về Phong thủy như Cao Biền đã bắt đầu để ý tới địa thế tốt đẹp của Hà Nội. Bởi thế nên ngay từ thời đó, họ đã cho xây thành ở khu vực này và đặt tên là thành Ðại La, nhưng ngôi thành này thường bị bỏ trống, ít khi được chú ý tới. Phải đến khi vua Lý Thái Tổ lên ngôi, ngài thấy Hoa Lư có địa thế quá nhỏ hẹp nên mới dời đô về đây và đổi tên là thành Thăng Long. Lúc đó là năm 1010, thuộc Vận 3 Thượng Nguyên, xét về vận khí thì đây chính là lúc suy vong của Hà Nội. Nhưng cũng may cho nhà Lý là Hà Nội khi trước đã bị bỏ trống từ lâu, đến lúc đó mới được chọn làm đế đô nên vận khí chưa thể ảnh hưởng mạnh mẽ ngay đến cục diện của đất nước. Mặc dù vậy, trong suốt thời gian cai trị của Ngài (1010- 1028), giặc giã nổi lên khắp nơi, khiến cho nhà vua và các hoàng tử phải luân phiên nhau đi đánh dẹp mới giữ vững được quốc gia và bảo tồn được ngôi báu cho nhà Lý.

Khi vua Thái Tổ qua đời, Thái tử Phật Mã lên nối ngôi (1028), hiệu là Lý Thái Tông, lúc đó đang ở trong Vận 4 Trung Nguyên. Ngay lúc đó, Ngài đã phải lo đối phó với cuộc tranh giành ngôi báu của các hoàng tử khác, nhờ có danh tướng Lê phụng-Hiểu phò tá nên Ngài mới dẹp yên được cuộc nổi loạn đó.

Năm 1038, cũng trong Vận 4, Nùng tồn Phúc nổi loạn ở Lạng Sơn, tự xưng là Hoàng đế, thanh thế rất lớn, khiến vua Thái Tông phải thân đi chinh phạt mới dẹp yên được.

Năm 1044, bước sang Vận 5, vượng khí đã bắt đầu dến với Hà Nội, vua Thái Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành. Quân ta đại thắng, chiếm được kinh đô Phật Thệ của nước Chiêm.

Năm 1048, cũng trong Vận 5, Nùng trí Cao (con Nùng tồn Phúc) lại nổi loạn ở Lạng Sơn, âm mưu dựa vào nhà Tống bên Tàu để chống lại nhà Lý. Nhưng vì lúc đó nhà Tống đang suy yếu, chưa muốn sinh sự với Ðại Việt, nên âm mưu này bị thất bại. Sau đó, Nùng trí Cao bị nhà Lý đánh phải chạy sang Tàu cướp phá, rồi bị tướng nhà Tống là Ðịch Thanh dẹp tan.

Năm 1068, trong Vận 6 Trung Nguyên, biết được Chiêm Thành bí mật liên kết với nhà Tống, không chịu thần phục nước ta, vua Lý Thánh Tông cùng với Lý thường Kiệt bèn cất quân đi chinh phạt. Quân ta đại phá quân Chiêm, bắt được Chiêm vương là Chế Củ. Sau cuộc chiến này, Chiêm Thành không những bị bắt buộc phải thần phục nước ta, mà còn phải cắt 3 châu (hay 3 tỉnh) dâng nạp để tạ tội.

Vào cuối năm 1075, cũng trong Vận 6, thấy nhà Tống có ý muốn đánh nước ta, Lý thường Kiệt liền dẫn quân sang đánh chiếm Khâm châu, Ung châu và Liêm châu của nhà Tống, phá hủy mọi căn cứ và những kho tàng quân sự rồi rút về.

Ðầu năm sau, vẫn trong Vận 6, vua Tống cử Quách Quỳ làm đại tướng, ồ ạt dẫn quân sang đánh nước ta báo thù, nhưng bị Lý thường Kiệt chận đánh kịch liệt bên bờ sông Như Nguyệt, suốt mấy tháng trời không tiến binh nổi. Thấy lực lượng bị hao mòn nhiều và biết không thể thắng nổi nước ta, Quách Quỳ bèn chấp nhận giảng hòa rồi rút hết quân trở về.

Năm 1103, vào cuối Vận 7, Lý Giác khởi loạn ở vùng Nghệ An, rồi liên kết với cả Chiêm Thành, Lý thường Kiệt phải tự đem quân vào đánh mới dẹp yên được.

Trong suốt Vận 8 (1104 – 1123), nước ta sống trong cảnh thái bình thịnh trị. Bước sang Vận 9, vào những năm 1128, 1132, 1135, Chân Lạp nhiều lần cho quân ra quấy phá Nghệ An, nhưng đều bị nhà Lý dẹp tan nên cuối cùng lại xin thần phục.

Năm 1138, vào cuối Vận 9, vua Lý anh Tông mới có 3 tuổi lên ngôi, nhưng nhờ có ông Tô hiến Thành là một trung thần tài ba phò tá nên trong suốt thời gian cai trị của ngài (1138 – 1175, tức là từ cuối Vận 9 qua tới giữa Vận 2), đất nước vẫn tương đối được ổn định. Ðến khi Tô hiến Thành qua đời (1179), nhà Lý bắt đầu bước vào thời kỳ suy vong. Dưới thời vua Lý cao Tông (1176 – 1210, tức là từ giữa Vận 2 cho đến giai đoạn đầu của Vận 4), giặc giã nổi lên như ong, trong triều đình từ vua tới quan đều bất tài, không đối phó nổi với tình thế. Năm 1208, Quách Bốc nổi loạn, rồi đem quân về đốt phá kinh thành, khiến vua Cao Tông phải dẫn Thái tử Sam bỏ chạy. Sau phải nhờ Trần Lý đem quân về dẹp loạn mới lấy lại được kinh đô, nhưng quyền bính lại lọt hết về tay họ Trần. Trong suốt thời gian còn lại của Vận 4 (1210 – 1223), vương quyền của nhà Lý mỗi lúc một suy yếu, tàn tạ. Ðể rồi vào năm 1225, Trần thủ Ðộ diệt nhà Lý, đặt cháu làTrần Cảnh lên làm vua và lập ra nhà Trần.

Khi nhà Trần được sáng lập thì cũng là lúc mới bước vào Vận 5, vượng khí bắt đầu đến với Thăng Long (Hà Nội), nên đây là lúc mà sức mạnh của đất nước được bộc phát trở lại. Nhưng triều đình nhà Lý đã quá suy nhược, hèn yếu, do đó phải nhường chỗ cho một thế lực chính trị khác, có đầy đủ khả năng và nghị lực, để dẫn dắt dân tộc tiến lên. Rồi ngay từ những ngày đầu, Trần thủ Ðộ đã tiến hành nhiều cuộc canh tân, cải cách, diệt trừ nội loạn (kể cả việc giết hại con cháu họ Lý). Nhờ thế nên chẳng bao lâu, các nền chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội trên đất nước ta đều được khôi phục và phát triển trở lại. Nhưng trong lúc đó, xứ Mông Cổ cũng đang nổi lên thành một thế lực đế quốc hùng mạnh bậc nhất trong lịch sử thế giới, đánh chiếm được hầu hết Á Châu rồi tràn sang đến tận vùng Ðông Âu. Sau khi đã chiếm được phần lớn đất đai của Trung Hoa, Mông Cổ bắt đầu dòm ngó tới Việt Nam.

Năm 1257,?rong Vận 6 Trung Nguyên, chúa Mông Cổ là Hốt tất Liệt phái danh tướng Ngột-lương-hợp-Thai đem quân đánh chiếm nước Ðại Lý (Thuộc tỉnh Vân Nam bây giờ), rồi sau đó tiến xuống chiếm luôn Việt Nam. Ngột-lương-hợp-Thai tiến binh rất nhanh, chỉ trong 1 tháng đã diệt được nước Ðại Lý, rồi thừa thắng tiến vào nước ta. Trước sức mạnh của quân địch, vua tôi nhà Trần phải bỏ Thăng Long rút về Hưng Yên, áp dụng chiến lược “vườn không nhà trống” để đối phó. Chẳng bao lâu sau, khi thấy quân Mông Cổ suy yếu vì không được tiếp tế lương thực, thuốc men đầy đủ, nhà Trần mở cuộc tổng phản công, đánh bại quân địch ở Ðông bộ Ðầu, khiến cho Ngột-lương-hợp-Thai phải rút quân tháo chạy về Vân Nam.

Sau chiến thắng này và cho đến hết năm 1283, tức là từ giữa Vận 6 cho đến hết Vận 7, nhà Trần phải trải qua cuộc đấu tranh đầy cam go và thử thách về ngoại giao với nhà Nguyên (tức đế quốc Mông Cổ).

Ðầu năm 1285, thuộc Vận 8 Hạ Nguyên, Hốt tất Liệt sai thái tử Thoát Hoan đem 50 vạn quân sang đánh nước ta lần thứ hai. Ðây chính là lúc vận khí của Hà Nội đang trong giai đoạn cực thịnh, nên mặc dù quân Mông Cổ tinh nhuệ và đông đảo chưa từng có, nhưng chỉ sau 5 tháng giao tranh, bọn chúng đã bắt đầu nao núng. Trước tình hình đó, quân ta phản công, đại thắng quân địch trong các trận Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Vạn Kiếp, giết Lý Hằng, chém Toa Ðô, còn Thoát Hoan phải chui vào ống đồng chạy về Tàu.

Quá căm tức vì cuộc thất trận này, vào cuối năm 1287, cũng trong Vận 8, Hốt tất Liệt lại sai Thoát Hoan đem 30 vạn quân sang đánh nước ta lần thứ ba. Nhưng lần này thì quân địch còn bị thảm bại nhanh chóng hơn, vì sau khi đoàn thuyền lương của chúng bị ta phá tan ở Vân Ðồn, Thoát Hoan đành phải chia quân thành 2 đường thủy-bộ rút lui. Ðạo thủy quân của địch bị ta chận đánh tan tành trên sông Bạch Ðằng, những danh tướng như Ô-mã-Nhi, Phàn Tiếp đều bị bắt sống. Còn đạo quân dưới sự chỉ huy của Thoát Hoan theo đường bộ rút về cũng bị chận đánh kịch liệt, các đại tướng như A-bát-Xích, Trương Ngọc đều bị tử trận, Thoát Hoan phải vất vả lắm mới vượt qua được ải Nam Quan trốn thoát.

Xét về 2 cuộc đại thắng quân Mông Cổ của nhà Trần sau này đều xảy ra trong Vận 8, giữa lúc vận khí của Hà Nội đang đi đến giai đoạn cực thịnh. Lúc này, nhờ những dãy núi dài hàng ngàn dậm ở phía Ðông Bắc hướng tới, thần lực của Hà Nội thật vô cùng mãnh liệt, nên không một thế lực hùng mạnh nào có thể lay chuyển được. Bởi thế nên chẳng những tinh thần quật cường, bất khuất của cả dân tộc ta lúc đó đang bùng lên đến mức tột độ, mà những anh hùng tài ba lỗi lạc cũng xuất hiện rất nhiều. Từ những vị vua như Trần thái Tông, Trần Nhân Tông, đến những danh tướng như Trần quang Khải, Trần khánh Dư, Trần nhật Duật, Phạm ngũ Lão….và đặc biệt là vị đại anh hùng dân tộc Hưng đạo Vương Trần quốc Tuấn. Chính vì thế nên dù cho đế quốc Mông Cổ có hùng mạnh đến đâu, quân đội của chúng có đông đảo, thiện chiến, tinh nhuệ tới mức nào đi nữa, khi bước đến Việt Nam cũng không thể tránh được sự thảm bại.

Sau 2 cuộc đại thắng này, nhà Trần hưởng cảnh thanh bình, thịnh vượng được hơn 40 năm (1288-1233), tức là từ những năm còn lại của Vận 8 (16 năm) qua hết Vận 9 vào đến giữa Vận 1. Duy chỉ có việc vua Trần gả công chúa Huyền Trân cho vua nước Chiêm, nhưng sau đó lại bắt về làm nảy sinh ra sự hiềm khích giữa 2 nước. Năm 1307, đầu Vận 9, Chiêm Thành đem quân sang quấy rối nước ta, nhưng bị nhà Trần đánh cho đại bại, Chiêm Vương Chế Chí bị bắt đem về giam ở Hà Nội.

Năm 1334, vào giữa Vận 1, giặc Lào bắt đầu kéo sang phá phách. Mặc dù bị đánh bại, nhưng sau đó chúng vẫn tiếp tục trở lại cướp phá thường xuyên, khiến cho vua tôi nhà Trần phải vất vả lo toan đánh dẹp và phòng thủ biên giới.

Kể từ đời vua Trần dụ Tông (lên ngôi năm 1341 tức cuối Vận 1) thì nhà Trần bắt đầu suy yếu, vì nhà vua chỉ biết vui chơi, giữa lúc nhân dân đói khổ, lầm than. Năm 1353, thuộc Vận 2, thấy nước Chiêm có nội chiến, vua Dụ Tông bèn đem quân sang can thiệp nhưng bị quân Chiêm đánh bại.

Năm 1367, đầu Vận 3, nhà Trần lại cử đại quân vào đánh Chiêm Thành, nhưng cũng bị đại bại như lần trước, chủ tướng của quân ta bị quân địch bắt sống.

Năm 1377, cũng trong Vận 3, vua Trần duệ Tông và Hồ quý Ly huy động 12 vạn quân thủy-bộ vào đánh Chiêm Thành. Nhưng khi tiến tới Ðồ Bàn thì bị vua Chiêm là Chế bồng Nga đánh tan, vua Trần bị tử trận, còn Hồ quý Ly phải tháo chạy trở về. Thắng trận này, Chế bồng Nga liên tiếp 3 lần đem quân ra đánh chiếm Thăng Long, cướp phá kinh thành rồi trở về.

Năm 1389, đầu Vận 4, trong lúc Chế bồng Nga đang đem quân sang đánh nước ta lần thứ 4 thì có nhà sư tên Phạm sư Ôn lại nổi loạn, khiến triều đình nhà Trần vô cùng bối rối. May nhờ Chế bồng Nga bị trúng đạn tử trận, quân Chiêm mới lui binh, rồi loạn Phạm sư Ôn cũng được dẹp yên. Nhưng đến lúc này, nhà Trần đã quá suy yếu, quyền hành lọt hết vào tay Hồ quý Ly. Họ Hồ mỗi ngày một tạo dựng thêm vây cánh khắp triêù đình, để rồi đến năm 1400 (cuối Vận 4) thì diệt nhà Trần, lên ngôi và lập ra nhà Hồ.

Xét về những cuộc thất bại của nhà Trần dưới tay quân Chiêm đều xảy ra vào khoảng từ giữa Vận 2 đến đầu Vận 4, là những giai đoạn mà vận khí của Hà Nội rất suy yếu. Bởi thế nên mặc dù nước ta rộng lớn hơn, tiềm lực về kinh tế lẫn quân sự đều hùng hậu hơn Chiêm quốc, vậy mà vẫn bị họ đánh cho khốn đốn, khiến vua, tôi nhà Trần nhiều phen phải bỏ cả kinh đô mà chạy. Ðúng ra trong những giai đoạn đó, nhà Trần chỉ nên án binh bất động, không nên tranh hùng với địch quốc, vì một khi vận khí của kinh đô đã quá suy yếu thì không thể chiến thắng được ai. Ngay cả đến việc diệt trừ nội loạn như cuối đời nhà Lý (cũng trong các Vận 3,4) mà còn chưa làm nổi thì làm sao có thể chiến thắng được các quốc gia thù địch ở bên ngoài. Tuy nhiên, trong các Vận 3 và 4, sát khí của biển Ðông quá mạnh, nên dù nhà Trần có hòa hoãn với các nước lân cận thì cũng bị những cuộc nổi loạn trong nước làm cho điêu đứng để rồi đi đến chỗ bị tiêu diệt

Khi Hồ quý Ly lên ngôi, việc đầu tiên của ông là cho dời thủ đô về Tây Ðô ở Thanh Hóa, rồi cho tiến hành nhiều cải cách táo bạo về chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội và quân sự. Nhưng vào năm 1407, đầu Vận 5, khi nhà Minh mượn tiếng “phù Trần diệt Hồ” đem quân sang xâm lăng nước ta thì nhà Hồ bị tan rã và sụp đổ nhanh chóng. Một lần nữa, dân tộc ta lại nằm dưới ách cai trị của người Tàu.

Nếu xét về phương diện Phong thủy và vận khí thì sự sụp đổ của nhà Hồ là do 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất là khi Hồ quý Ly cướp ngôi nhà Trần, vận khí của thủ đô Thăng Long đang ở trong giai đoạn tàn tạ, suy yếu đến tột độ (Vận 4). Nên dù ông có cố công canh tân, cải cách thế nào đi nữa, nước ta yếu vẫn hoàn yếu, mà lòng người dân lại càng không phục, bất mãn. Thứ hai là việc ông lập Tây Ðô (thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa bây giờ) làm thủ đô mới của nước ta. Ðây là một vùng đất chật hẹp, lại bị long mạch của dãy Hoàng liên Sơn tiến tới đâm sát vào. Ðối với Phong thủy, địa thế như vậy không được coi là có Long (núi) chầu phục, mà chính là thế bị Long tiến tới bức bách, áp chế, khiến cho vượng khí bị thất tán, còn sát khí thì tràn ngập cả kinh đô. Bởi thế nên ngay từ khi lên ngôi, Hồ quý Ly đã gặp phải những áp lực nặng nề từ trong và ngoài nước, để rồi đến khi quân Minh sang đánh nước ta thì nhà Hồ liền bị sụp đổ nhanh chóng. Mặt khác, vào lúc đó, vận khí của Bắc Kinh đang ở trong giai đoạn cực kỳ hưng vượng (thành Bắc Kinh chủ phát vào các Vận 5, 6, và 7). Do đó, nếu đem vận khí của Tây Ðô đối chọi với vận khí của Bắc Kinh lúc đó thì làm sao nhà Hồ không lãnh lấy cái hậu quả diệt vong, mất nước được. Nếu như Hồ quý Ly không dời đô, thì tuy ông sẽ gặp nhiều khó khăn trong những năm đầu, nhưng khi bước vào Vận 5 (1404) vượng khí sẽ trở lại với Thăng Long. Lúc đó, sức mạnh và tinh thần quật khởi của dân tộc lại trào dâng mạnh mẽ thì thử hỏi nhà Minh làm sao có thể đánh chiếm và đô hộ nước ta ngót 20 năm được?

Nhưng cũng may dân tộc ta, khi quân Minh thiết lập nền đô hộ, chúng lại lấy Thăng Long (lúc đó đã đổi tên là Ðông Ðô) làm trung tâm điều hành việc cai trị, trực tiếp nhận lệnh điều khiển từ Bắc Kinh. Nhưng chúng không biết rằng trong các Vận 5, 6, 8, nếu là một trung tâm quyền lực chính trị thì Thăng Long sẽ không bao giờ là chư hầu của bất cứ một thành phố nào trên thế giới. Do đó, những phong trào kháng chiến bùng nổ khắp nơi, cho đến khi Lê Lợi tụ tập được anh hùng hào kiệt, phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn thì nền độ hộ của quân Minh đã bước vào thời kỳ tàn cuộc. Vào năm 1426, đầu Vận 6, nhà Minh sai Vương Thông đem 5 vạn quân sang nước ta để đối phó với phong trào kháng chiến của Lê Lợi, nhưng đạo quân này bị ta đánh tan ở Tuy Ðộng. Năm sau, cũng trong Vận 6, nhà Minh lại phái Liễu Thăng và Mộc Thạnh đem 15 vạn quân sang nước ta hòng cứu vãn tình thế. Nhưng khi 10 vạn quân của Liễu Thăng bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn trong các trận đánh Chi Lăng, Tốt Ðộng-Chúc Ðộng, nhà Minh không còn cách gì khác hơn là rút hết quân về nước và thừa nhận nền độc lập của dân tộc ta.

Ðánh đuổi được quân Minh ra khỏi bờ cõi, Lê Lợi liền lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Thái Tổ và lập ra nhà Lê, nhưng Ngài chỉ ở ngôi được 6 năm (1428 – 1433) thì qua đời. Con Ngài lên thay lấy hiệu là Thái Tông (1434 – 1442). Dưới thời vua Thái Tổ và Thái Tông, có nhiều vụ giết hại những công thần danh tiếng như Trần nguyên Hãn, Phạm văn Xảo, Lê Sát, Nguyễn Trãi… xảy ra. Ðó chẳng qua là vì trong suốt Vận 6, nước ta thường bị đe dọa bởi những cuộc chiến tranh lớn hay những vụ khủng hoảng chính trị trầm trọng. Nhưng sau những trận đại thắng quân Minh trước đây, không còn một nước nào trong khu vực dám xâm phạm bờ cõi nước ta nữa. Do đó mới xảy ra những vụ giết hại công thần rất đẫm máu vừa kể trên.

Sau thời vua Lê thái Tông, nước ta tương đối được ổn định trong suốt 16 năm. Ðến năm 1459, trong Vận 7 Hạ Nguyên, hoàng thân Nghi Dân đem quân về giết vua đoạt lấy ngai vàng, nhưng chỉ không đầy 1 năm sau thì lại bị các quan đại thần phế đi, rồi lập em là Gia Vương Tư Thành lên ngôi, lấy hiệu là Lê thánh Tông.

Bản đồ Thăng Long thời Hồng Đức 1490
Bản đồ Thăng Long thời Hồng Đức 1490

 

Dưới thời vua Lê thánh Tông (1460 – 1497, tức là từ cuối Vận 7 qua hết Vận 8 cho tới gần cuối Vận 9), nước ta trở thành một cường quốc hùng mạnh bậc nhất trong vùng Ðông Nam Á. Ở trong nước, nhà vua cho tiến hành nhiều cải cách: từ chính trị, kinh tế đến luật lệ, thuế khóa…. khiến đời sống người dân được yên ổn, sung túc. Ở ngoại biên, vua Lê thánh Tông huy động những cuộc viễn chinh có quy mô rất lớn: năm 1470, Ngài đem 26 vạn quân đi đánh và chiếm đất Chiêm Thành. Năm 1479, Ngài đem 18 vạn quân sang dẹp yên xứ Lão Qua; sang năm sau, lại đem 30 vạn quân xuống diệt xứ Bồn Mang. Thấy nước ta khống chế các nước lân bang nơi phía Nam, Minh triều tỏ ý bực tức nhưng chẳng làm gì được. Bởi vì trong Vận 8, nguyên khí của thành Bắc Kinh đã đến thời kỳ suy yếu, không thể nào đối chọi nổi với cái hùng khí của Thăng Long thủa ấy.

Sau khi vua Lê thánh Tông băng hà, dân tộc ta vẫn tiếp tục sống trong cảnh thái bình thịnh trị dưới thời vua Lê hiến Tông (1497 – 1504, tức là từ những năm cuối của Vận 9 sang đến đầu Vận 1). Nhưng kể từ đó trở đi, nhà Lê bắt đầu suy yếu với những ông vua xa xỉ, độc ác như Lê uy Mục (1505 – 1509), Lê tương Dực (1510 – 1516) , khiến cho trăm họ đói khổ, giặc giã nổi lên như ong. Lợi dụng tình thế rối ren đó, một võ tướng có tài là Mạc đăng Dung bắt đầu gây dựng thế lực: diệt trừ những cuộc nổi loạn và những phe cánh đối lập. Khi đã thâu tóm trọn quyền bính trong tay, Mạc đăng Dung liền cho người giết vua Lê cung Hoàng rồi tự xưng làm hoàng đế và lập ra nhà Mạc vào năm 1527, lúc đó đang là đầu Vận 2 Thượng Nguyên. Nhưng chẳng được bao lâu sau thì con cháu nhà Lê, được sự phò tá của 2 họ Trịnh -Nguyễn, lại bắt đầu nổi lên ở Nghệ-an để tạo thành thế Nam – Bắc triều. Trong suốt thời gian từ năm 1540 cho đến năm 1583, tức là từ cuối Vận 2 cho đến hết Vận 4, cả 2 bên đều mở rất nhiều cuộc tấn công quyết liệt, nhưng không bên nào dành được thắng lợi trọn vẹn. Phải đến năm 1591 (trong khoảng đầu Vận 5), Trịnh Tùng kéo đại quân ra Bắc, chiếm được thành Thăng Long, nhưng lại cho san thành bình địa rồi rút về. Sang năm sau, Trịnh Tùng lại đem quân ra Bắc lần nữa mới thực sự diệt được nhà Mạc và bình định được đất Bắc.

Nếu xét tới sự thất bại của nhà Mạc thì lý do không ngoài việc Mạc đăng Dung đã vội vã cướp ngôi nhà Lê quá sớm. Thật vậy, lúc đó đang là đầu Vận 2, nguyên khí nước ta đang dần dần bị suy thoái, nên dù ông có cố công gắng sức trong việc cai trị, tình thế mỗi lúc một trở nên đen tối. Trong các Vận 3, 4, nhà Mạc mỗi lúc một tàn tạ, suy nhược, nên khi bước vào Vận 5 thì bị tiêu diệt. Bởi vì lúc đó vượng khí đã bắt đầu trở về với Thăng Long, nên những chế độ mục nát, suy tàn sẽ bị quét sạch để nhường bước cho những thế lực chính trị mớí, có đầy đủ khả năng và nghị lực để đối phó với tình thế. Tuy nhiên, khi Trịnh Tùng chiếm được Thăng Long, lại cho quân phá tan thành bình địa, khiến cho vượng khí bị thất tán, làm suy giảm rất nhiều thần lực của kinh đô. Bởi thế nên sau này, họ Trịnh chẳng những phải hao tổn rất nhiều thời gian và công sức mới trừ hết được những dư đảng của nhà Mạc, mà còn không khuất phục được họ Nguyễn ở phương Nam. Ngay cả trong các Vận 8 (1644 – 1663) và Vận 9 (1664 – 1683) là những giai đoạn tốt đẹp nhất của Thăng Long, họ Trịnh vẫn không thống nhất được đất nước, khiến cho tình trạng Nam – Bắc phân tranh kéo dài ngót 100 năm.

Giữa lúc 2 phe Trịnh – Mạc đang giao tranh quyết liệt ở ngoài Bắc, họ Nguyễn liền lợi dụng cơ hội đem quân vào Nam gây dựng thế lực ở Thuận Hóa (tức khu vực từ Quảng Bình vào tới Quảng Nam bây giờ). Ðến khi nhà Mạc bị diệt thì họ Nguyễn đã bắt đầu đủ mạnh để đối phó với họ Trịnh. Lúc này, vua Lê chỉ còn là bù nhìn, mọi quyền hành đều lọt vào trong tay chúa Trịnh (ở ngoài Bắc) và chúa Nguyễn (ở trong Nam). Rồi trong suốt thời gian từ năm 1627 đến năm 1672 (tức là từ đầu Vận 7 cho đến giữa Vận 9), hai bên 7 lần đại chiến tại khu vực Hà tĩnh -Quảng bình. Nhưng vì không bên nào dành được thắng lợi quyết định, nên đành lấy sông Gianh làm ranh giới chia đôi đất nước.

Tuy nhiên, mặc dù không thống nhất được đất nước, nhưng trong thời gian đầu, các chúa Trịnh đều là những nhà lãnh đạo có tài, biết chăm lo việc nước nên đời sống của người dân cũng được yên lành, sung túc. Chỉ đến đời chúa Trịnh Giang (1729 – 1740 tức là bắt đầu từ Vận 3 trở đi) thì nền cai trị của nhà Trịnh đã bắt đầu lung lay. Dưới chế độ thuế khóa, phu dịch quá nặng nề của triều đình, người dân vô cùng đói khổ, lầm than, dẫn đến nhiều cuộc nổi loạn liên tiếp trong suốt 30 năm (1739 – 1769), khiến cho triều đình phải đánh dẹp vô cùng vất vả. Ðến đời chúa Trịnh Sâm (1767 – 1782 tức là trong Vận 5), do cũng có năng lực, lại được những đại thần có tài như Bùi thế Ðạt, Hoàng ngũ Phúc, Lê quý Ðôn …. phò tá nên chẳng những dẹp yên được các cuộc nổi loạn, mà còn bắt đầu bành trướng thế lực của họ Trịnh xuống phương Nam. Nhưng khi ông qua đời, con là Trịnh Khải lên thay lại tỏ ra bất tài, hèn yếu, không làm chủ được tình thế, để cho kiêu binh lộng hành, khiến cho miền Bắc trở nên rối loạn. Giữa lúc đó, nước Trung Hoa ngày càng hùng mạnh dưới sự lãnh đạo của vua Càn Long, lại đang chủ trương xâm chiến các nước láng giềng để mở rộng cương vực. Trước mối đe dọa nghiêm trọng đó, nhà Trịnh bắt buộc phải cáo chung để mở lối cho sự xuất hiện của một vị đại anh hùng dân tộc mới: hoàng đế Quang- Trung Nguyễn Huệ.

Còn về phần các chúa Nguyễn ở trong Nam thì mặc dù hùng cứ một phương, nhưng trên danh nghĩa vẫn là tôi thần của vua Lê, không lập nước hoặc kinh đô riêng nên vẫn phụ thuộc vào vận khí của Thăng Long. Do đó, trong những giai đoạn đầu, các chúa Nguyễn cũng rất tài giỏi, biết cách an dân, trị nước, đồng thời tiếp tục mở rộng lãnh thổ nước ta cho đến tận Hà Tiên. Sau này, dưới thời các chúa Nguyễn phúc Trú (1725 – 1738) và Nguyễn phúc Khoát (1738 – 1765) tức là trong các Vận 3 và 4, triều đình trong Nam đã bắt đầu suy yếu, những cuộc Nam tiến hầu như đã bị đình trệ hẳn. Kể từ năm 1765 tức là đầu Vận 5, triều đình của chúa Nguyễn lại càng thối tha, mục nát vì sự lộng hành của quyền thần Trương phúc Loan, khiến cho muôn dân lầm than, đói khổ. Trước tình hình đó, 3 anh, em nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ liền đứng lên phát động cuộc khởi nghĩa vào năm 1772, lúc đó đang là giữa Vận 5 Trung Nguyên.

Chỉ trong một thời gian ngắn, anh, em nhà Tây Sơn đã chiếm đươc trọn vẹn đất đai của chúa Nguyễn, nên vào năm 1778, Nguyễn Nhạc tự xưng làm hoàng đế, đóng đô ở Quy Nhơn (thành Ðồ Bàn cũ) và lập ra nhà Tây Sơn.

Nhưng ở đất Gia Ðịnh, khi anh, em Tây Sơn vừa rút đi 1 tôn thất nhà Nguyễn là Nguyễn Ánh lại trở về mộ binh chống lại. Trong 2 năm 1782, 1783, Nguyễn Ánh bị Nguyễn Huệ đánh bại liên tiếp nên phải chạy sang Thái Lan cầu cứu. Năm 1784, đầu Vận 6, Thái Lan đem 2 vạn quân và 300 chiến thuyền sang chiếm nước ta, nhưng vừa tiến tới Mỹ Tho thì bị Nguyễn Huệ đánh tan tành trên sông Rạch Gầm – Xoài Mút, khiến cho Nguyễn Ánh và đám tàn quân Xiêm phải tháo chạy về Băng Cốc.

Bình định được trong Nam, Nguyễn Huệ liền nghĩ đến chuyện Bắc phạt. Vào giữa năm 1786, ông đem quân ra đánh Thuận Hóa, rồi tiến về Thăng Long như vũ bão. Chỉ trong 1 tháng ông đã chiếm được kinh đô của đất Bắc, diệt chúa Trịnh, trao trả quyền hành cho vua Lê rồi trở về Nam. Nhưng vua Lê bất tài, không điều hành nổi chính sự, nên lộng thần lại nổi lên, tác oai tác quái, khiến cho Nguyễn Huệ phải ra Bắc lần nữa để diệt trừ những phần tử sâu dân, mọt nước, thiết lập chính quyền mới rồi lại trở về Nam.

Trong khi đó, vì bị loại ra khỏi nền chính sự Việt Nam, vua Lê uất hận bèn chạy sang Tàu cầu cứu nhà Thanh. Ðược lời như cởi tấc lòng, vào cuối năm 1788, cũng đang trong Vận 6, vua Càn Long liền sai Tôn sĩ Nghị đem 20 vạn quân sang chiếm nước ta. Nhưng khi chúng vừa dừng lại để ăn Tết thì từ Phú Xuân, Nguyễn Huệ lập tức lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung rồi kéo 10 vạn binh ra Bắc. Bằng một chiến dịch tốc chiến tốc thắng có một không hai trong lịch sử dân tộc Việt Nam và có lẽ của cả thế giới, chỉ trong vòng 5 ngày, vua Quang Trung đã đập tan một lực lượng quân sự tinh nhuệ và đông đảo hơn mình gấp bội, với những chiến thắng Hà Hồi, Ngọc Hồi, Ðống Ða. Những đại tướng Thanh như Hứa thế Hanh, Thượng duy Thăng, Sầm nghi Ðống phải bỏ mạng, còn Tôn sĩ Nghị một mình một ngựa hối hả vượt qua ải Nam Quan trốn về Tàu.

Tiếc thay, sau chiến thắng oanh liệt này, vua Quang Trung lại không đóng đô ở Thăng Long đề duy trì và mở mang sự nghiệp (vì lúc đó đang trong Vận 6, nên vượng khí ở Thăng Long đang trào dâng vô cùng mãnh liệt). Trái lại, Ngài vẫn tiếp tục dùng Phú Xuân làm kinh đô, mà không biết rằng trong Vận 6, thành phố này sẽ gặp nhiều tai họa (sẽ nói rõ ở phần sau). Bởi thế cho nên sau khi Ngài qua đời (1792), Nguyễn Ánh ở đất Gia Ðịnh dần dần khôi phục được lực lượng đem quân ra chiếm Phú Xuân (1801), diệt nhà Tây Sơn (1802), rồi lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Gia Long và lập ra nhà Nguyễn. Kể từ đây, Phú Xuân trở thành thủ đô của đất nước, còn Thăng Long (sau này đổi là Hà Nội) chỉ còn là một thành phố lớn trên đất Bắc mà thôi. Rồi trải qua các đời vua triều Nguyễn, đất nước ta mỗi ngày một suy yếu, dẫn tới cuộc xâm lăng và đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp. Ðến năm 1945 khi vua Bảo Ðại thoái vị, Hồ chí Minh cướp chính quyền, tuyên bố Việt Nam độc lập và thành lập chính phủ ở Hà Nội thì lúc đó đã bước vào Vận 5 Trung Nguyên.

Năm 1946, Pháp đem quân trở lại Việt Nam, dự định tái lập chế độ thuộc địa trrên đất nước ta lần nữa. Nhưng lúc đó đang trong Vận 5, tinh thần quật khởi của dân tộc ta lại trào dâng mạnh mẽ, nên sau 9 năm chiến tranh khốc liệt, thực dân Pháp bị đại bại ở Ðiện biên Phủ, buộc lòng phải rút quân ra khỏi nước ta. Tuy nhiên, vào lúc này, do sự phân rẽ về ý thức hệ giữa 2 khối Tự do và Cộng sản, nước ta bị chia cắt làm 2 miền. Miền Nam theo chế độ Tự do, dưới sự lãnh đạo của Ngô đình Diệm, đóng đô tại Sài Gòn; miền Bắc theo chế độ Cộng sản, dưới sự lãnh đạo của Hồ chí Minh, đóng đô ở Hà Nội. Lúc đó là năm 1954, cũng vẫn trong Vận 5.

Bản đồ Hà Nội do phòng bản đồ quân đội Pháp vẽ tháng 10-1898 và Bản đồ tỉnh Hà Nội cuối thế kỷ 19.
Bản đồ Hà Nội do phòng bản đồ quân đội Pháp vẽ tháng 10-1898 và Bản đồ tỉnh Hà Nội cuối thế kỷ 19.

Nhưng vào lúc xảy ra sự phân chia đất nước, Sài Gòn đang nằm trong một giai đoạn xấu và một địa thế bất lợi (sẽ nói rõ hơn ở phần sau), nên tuy đời sống của người dân miền Nam được tự do, sung túc hơn miền Bắc, chính phủ miền Nam vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn, bị khủng hoảng chính trị và tôn giáo liên tục. Trong khi đó, mặc dù đời sống của người dân miền Bắc rất nghèo đói dưới chế độ độc tài Cộng sản, thế lực chính trị và quân sự của Hà Nội ngày càng đè nặng lên trên chính phủ và nhân dân miền Nam. Bước sang Vận 6 (1964 – 1983), khí thế của Hà Nội lại càng bùng lên mãnh liệt. Nên mặc dù Sài Gòn được Hoa Kỳ và đồng minh đem quân trợ chiến, đồng thời cho máy bay oanh kích miền Bắc rất ác liệt trong nhiều năm, nhưng vẫn không đánh bại nổi Hà Nội. Cuối cùng, Hoa kỳ quá chán nản nên đành rút chân ra khỏi Việt Nam, rồi đến năm 1975 (cũng trong Vận 6) thì Sài Gòn sụp đổ trước cuộc tấn công của quân đội miền Bắc.

Sau cuộc chiến tranh này, khí thế của Hà Nội vẫn còn rất mạnh, nên chẳng những khống chế cả 2 nước Lào và Cam Bốt, mà còn làm cho mọi quốc gia trong vùng Ðông Nam Á khiếp sợ. Khi Cộng sản Cam Bốt muốn liên minh với Trung Cộng để tách rời ra khỏi vòng kiểm soát của Hà Nội, thì liền bị Hà Nội đem quân đánh tan chỉ trong vòng 2 tuần lễ. Thấy chư hầu của mình bị Việt cộng ngang nhiên đè bẹp, Trung Cộng tức giận đem hơn 200, 000 quân sang đánh miền Bắc vào năm 1979 (vẫn trong Vận 6) nhưng bị đẩy lui dễ dàng.

Hiện tại đang là Vận 7 Hạ Nguyên (1984 – 2003), nếu tính theo vận khí của Hà Nội thì tuy nước ta không phải là quốc gia giàu mạnh nhất trong vùng Ðông Nam Á, nhưng cũng không đến nỗi quá nghèo nàn, lạc hậu như bây giờ. Ðó là vì vào những năm đầu của thập niêm 80, Cộng sản Việt Nam cho thiết lập nhiều đập thủy điện lớn trên những con sông Ðà, sông Mã. Trong Vận 7, những con sông này đã đem

sát khí đến cho Hà Nội, giờ đây lại còn có những đập thủy điện hoạt động ngày đêm, khiến cho sát khí càng bốc lên dữ dội. Bởi thế nên trong thời gian gần đây, Hà Nội bị khủng hoảng chính trị liên miên: hết Nguyễn văn Linh tới Ðỗ Mười, rồi đến Lê khả Phiêu và bây giờ là Nông đức Mạnh. Nhưng càng thay đổi, giới lãnh đạo ở Hà Nội lại càng tỏ ra bất tài, không tìm nổi một hướng đi nhất định cho dân tộc. Giữa lúc đó, tệ nạn tham nhũng lan tràn khắp nơi, trong khi người dân vẫn tiếp tục đói khổ, các giới công, nông, trí thức, thương nhân … đều cảm thấy tương lai quá mù mịt, xa vời.

Nhưng đối với bộ môn Phong thủy, tương lai lại rất tươi sáng cho dân tộc Việt Nam, bởi vì chỉ còn không đầy 2 năm nữa là đã tới Vận 8 Hạ Nguyên. Ðây chính là lúc mà đất nước ta trở nên giàu có và hùng mạnh nhất trong vùng Ðông Nam Á. Nếu những người Cộng sản không sớm biết thay đổi, cố công gắng sức chăm lo cho nước giàu dân mạnh. Mà chỉ lo vơ vét, ăn chơi hoang đàng xa xỉ như hiện nay, thì đến khi vượng khí lại đến với dân tộc, họ cũng sẽ bị quét sạch đi như những triều đại phong kiến trước đây trong buổi suy tàn.

Tóm lại, vận khí của Hà Nội là trung bình trong Vận 1, suy vi trong Vận 2, tàn tạ trong các Vận 3, 4, bắt đầu phục hưng trong Vận 5, kiêu dũng trong Vận 6, bình thường trong Vận 7, cực thịnh vào Vận 8 và Vận 9. Những Vận 1, 2, 7 thường có những cuộc chiến tranh nhỏ, hoặc những cuộc cướp ngôi, đảo chính; những Vận 3, 4 thường có rất nhiều giặc giã, trong khi giai cấp thống trị thì vô tài, bất lực. Vận 5 bao giờ cũng có những cuộc chiến tranh tương đối lớn, nếu không có thù trong thì sẽ có giặc ngoài; còn Vận 6 thì bao giờ cũng là những cuộc chiến quy mô chống lại những cường quốc hùng mạnh bậc nhất thế giới. Trong lịch sử, chỉ có Vận 6 dưới thời chúa Trịnh Tùng (1604 – 1623) là nước ta không bị ngoại xâm trực tiếp. Nhưng dư đảng của nhà Mạc được nhà Minh bên Tàu gián tiếp giúp đỡ, khiến cho chúa Trịnh phải vất vả đánh dẹp suốt từ khi chiếm được Thăng Long (1591) cho đến năm 1625 (tức là qua tới Vận 7) mới trừ được hết. Trong Vận 8 cũng thường có những cuộc chiến tranh lớn (như dưới các thời Trần, Lê, Trịnh). Tuy nhiên, đời sống của người dân dưới thời này vẫn được sung túc hơn so với Vận 6, cũng như thực lực của đất nước cũng được hùng mạnh, dồi dào hơn. Chỉ có Vận 9 là đất nước được thanh bình, ít có chiến tranh, giặc giã hơn cả; nhưng về hùng khí cũng như sự phát triển đều không thể bằng Vận 8.

Một điểm nữa về địa thế Phong thủy của Hà Nội là tuy nằm trong thế “núi, sông chầu phục”, nhưng vì nước sông Hồng khi đi ngang qua Hà Nội chảy rất mạnh, chứ không êm đềm, uốn lượn. Vì lý do này nên những nhân vật xuất hiện vào đúng Vận 5 như Trần thủ Ðộ, Hồ chí Minh…. tuy có tài nhưng lại rất độc ác, phải là những anh hùng xuất hiện ở các Vận 6, 8 mới tránh được sát khí của sông Hồng để được nhân ái, hiền từ hơn. Ngoài ra, cũng vì lý do đó mà đất nước ta từ xưa đến nay không bao giờ được giàu có, dư dả như các cường quốc khác. Gặp lúc thịnh vượng thì chỉ tương đối sung túc, đến lúc suy vi thì sơ xác, điêu tàn. Sau này, nếu những nhà lãnh đạo đất nước có thể kiến tạo một công trình đào sưả dòng nước sông Hồng, sao cho nó uốn lượn một vài đoạn trước khi tới cũng như sau khi rời khỏi Hà Nội. Có như thế thì đất nước ta mới mong có ngày trở nên giàu có như những nước Anh, Pháp, Mỹ được.

Tác giả LÂM QUỐC THANH

 

 

Phong thủy Sài Gòn

Xem Phong Thủy Đoán Mệnh Nước Việt (Tiếp theo)

Phong thủy TpHCM - Sài Gòn
Thành phố Hồ Chí Minh được chụp bởi Phi hành gia Soichi Noguchi trong một lần bay quanh trái đất

TP Hồ Chí Minh: là thành phố nằm ngay bên phải bờ sông Sài Gòn, con sông này bắt nguồn từ tỉnh Tây Ninh ở phía Tây Bắc rồi chảy xuống, đi ngang qua khu vực phía Bắc của Sài Gòn rồi uốn lượn qua phía Ðông của thành phố, sau đó nhập với sông Ðồng Nai từ phía Bắc chảy xuống rồi đổ ra biển nơi phía Nam. Sài Gòn nằm giữa một khoảng bình nguyên (đất bằng) rộng lớn, xa xa nơi phía Bắc và Ðông Bắc, tại các tỉnh Quảng Ðức, Lâm Ðồng là phần cuối của dãy Trường Sơn hướng tới. Rồi nơi phía Tây Bắc tại tỉnh Tây Ninh cũng có dãy núi Bà Ðen, nơi phía Ðông Nam là khu núi Vũng Tàu, cả hai đều là dư khí của dãy Trường Sơn còn sót lại. Nằm ở khu vực phía Nam và Tây Nam Sài Gòn là các sông Vàm Cỏ, xa hơn nữa là vùng đồng bằng sông Cửu Long với 2 con sông Tiền Giang và Hậu Giang.

Với địa thế núi, sông bao bọc như trên, ta thấy Sài Gòn có nhiều điểm đặc biệt, xứng đáng là một trong những trung tâm kinh tế và chính trị quan trọng bậc nhất trên đất nước ta. Trước hết là mạch Trường Sơn chấm dứt từ tận Quảng Ðức, Lâm Ðồng, tạo ra cái thế Huyền vũ che chở cho sau lưng Sài Gòn, nhưng lại không tiến đến quá gần để trở thành cái thế đe dọa hoặc lấn áp thành phố này, mà chừa cho Sài Gòn một khoảng trống rộng lớn để hấp thu hết vượng khí của toàn bộ miền Nam Việt Nam. Rồi đến núi Bà Ðen ở Tây Ninh và vùng núi ở Vũng Tàu tạo thành thế tả, hữu long, hổ để hộ vệ Sài Gòn. Nhưng một điểm hay là vì núi Bà Ðen (hữu Bạch hổ) lại cao hơn núi Vũng Tàu (tả Thanh long). Nên khi nằm lệch về phía Vũng Tàu, Sài Gòn đã tạo thành thế long-hổ quân bình, khiến cho nền kinh tế của thành phố bao giờ cũng sung túc. Nếu như Sài Gòn nằm lệch về phía núi Bà Ðen nhiều hơn, tình trạng kinh tế sẽ rất nghèo nàn, bi đát, vì sát khí của Bạch hổ sẽ lấn át Thanh long và làm lụn bại thành phố. Phía trước mặt của Sài Gòn là Long-an và vùng đồng bằng sông Cửu Long, một bình nguyên rộng lớn với những con sông hàng hàng, lớp lớp chảy qua, khiến cho vượng khí vô biên, thần lực miên man, bất tận. Ðó là chưa kể thương cảng Sài Gòn còn có mũi Vũng Tàu nằm ở bên ngoài hộ vệ, nên xứng đáng là một trung tâm quyền lực quan trọng về kinh tế và chính trị. Nếu còn được thêm một mũi đất nữa nhô ra ở cửa Ðại (thuộc sông Tiền Giang, trong tỉnh Bến Tre) để tạo thành đầy đủ thế tả, hữu hộ vệ nơi cửa biển thì uy lực của Sài Gòn sẽ còn tăng lên gấp bội. Ngoài ra, con sông Sài Gòn khi đến gần thành phố lại uốn lượn thành nhiều khúc, rồi sau khi đi qua còn quay đầu nhìn lại tới 2 lần (2 khúc sông uốn cong trở lại) rồi mới đổ ra biển. Ðây chẳng những là một cảnh sông nước hữu tình, mà còn tạo cho Sài Gòn một sự phồn thịnh, sung túc đến nỗi không một thành phố nào trên toàn cõi Việt Nam cũng như khắp vùng Ðông Nam Á có thể so sánh được.

Chợ Bến Thành
Chợ Bến Thành

Nhưng điều đáng ngạc nhiên là mặc dù nằm trong một một địa thế “rồng chầu, hổ phục” như vậy, Sài Gòn vẫn chỉ đóng một vai trò rất khiêm nhượng đối với đất nước Việt Nam, cũng như đối với cộng đồng thế giới. Giữa lúc tên của những thành phố như New York, Los Angeles, Paris, Tokyo, thậm chí đến cả Hong Kong, Singapore….đã gắn liền với một nền kinh tế sung túc và thịnh vượng, thì cái tên Sài Gòn vẫn gắn liền với một xứ sở lạc hậu, một quốc gia chậm tiến. Sở dĩ như vậy là vì tuy địa thế chung quanh Sài Gòn vô cùng tốt đẹp, nhưng địa điểm tọa lạc của thành phố lại nằm sai vị trí, khiến cho Sài Gòn không sao trở thành một thành phố giàu mạnh, nổi tiếng trên thế giới được. Thay vì phải nằm ở trong khu vực giữa sông Ðồng Nai và sông Sài Gòn để chiếm lấy vị trí của “chân long” (chính long mạch), Sài Gòn lại nằm ở phần đất bên ngoài tức chỉ là “hộ sa” (đất hộ vệ) của chân long. Ðối với Phong thủy, chân long mới là nơi kết tụ được nguyên khí của trời, đất để chiếm lấy thế lực lớn lao hay độc tôn về chính trị và kinh tế, đồng thời mới thu hút được những anh hùng kiệt xuất, những lãnh tụ vĩ đại. Còn hộ sa chỉ là phần đất chư hầu, nguyên khí đã bị tản mát hết, nên không bao giờ có thể trở thành một trung tâm kinh tế hoặc chính trị hùng mạnh, đồng thời cũng không dễ có được một lãnh tụ tài ba xuất hiện. Nếu ta nhìn lại giai đoạn Sài Gòn là thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa, có Hoa kỳ là đồng minh đắc lực nhất. Vậy mà trong mọi cuộc đàm phán, thương thuyết, họ chỉ cho chính phủ Sài Gòn đứng ngang hàng với Mặt trận Giải phóng là tay sai của Hà Nội. Ðiều này đủ cho thấy sự tai hại khi thủ đô của một quốc gia mà lại nằm trong vùng đất hộ sa là như thế nào.

Một điểm quan trọng khác là hình dáng uốn lượn rất nhiều lần của con sông Sài Gòn, nên đúng ra sẽ đem lại sự phồn thịnh và sung túc đến cực độ cho thành phố, khó có nơi nào có thể bì kịp. Nhưng muốn được hưởng trọn vẹn điều này, Sài Gòn (và nhất là trung tâm của thành phố) cần phải nằm tại những khu vực được dòng sông ôm lấy, tức là những vùng được dòng sông bao bọc, che chở 2, 3 mặt (như khu Thủ Thiêm chẳng hạn). Chứ còn từ khi được thành lập cho tới nay, Sài Gòn vẫn nằm ở vị trí hiện tại, đã không có sông che chở, bao bọc (còn gọi là thủy hữu tình), mà còn bị khúc sông Sài Gòn ngay đó uốn cong ra chém tới. Ðối với Phong thủy, đây là một địa thế cực kỳ hung hiểm (còn được gọi là thủy bạc tình), nên sẽ khiến cho Sài Gòn không lúc nào được yên ổn. Nếu không có chiến tranh, giặc giã, thì cũng bị bị những tệ trạng xã hội như băng đảng trộm cướp, xì ke, ma túy, đĩ điếm hoành hành khắp nơi, nhất là tại khu vực trung tâm thành phố (là nơi bị thủy chém nặng nhất). Chẳng những thế, sát khí của khúc sông này sẽ làm cho Sài Gòn luôn luôn bị suy yếu, không bao giờ có thể vươn lên thành một trung tâm kinh tế cường thịnh và tiên tiến được.

Cũng vì 2 yếu tố kể trên nên mặc dù được hình thành và phát triển đã lâu, nhưng Sài Gòn vẫn chỉ là một thành phố trung bình, uy lực yếu ớt, chưa đủ để trấn áp hết miền Nam. Còn nói tới việc khuất phục được các nước trong vùng Ðông Nam Á châu và làm cho thế giới phải kiêng nể thì vẫn quá xa vời. Muốn đạt được điều đó, các nhà lãnh đạo Việt Nam trong tương lai cần thiết lập những đề án xây dựng trong khu vực giữa sông Ðồng Nai và sông Sài Gòn. Rồi cho dời những cơ quan hành chánh, kinh tế, thương mại quan trọng vào trong vùng Thủ Thiêm, biến nơi đây thành khu vực trung tâm của thành phố. Ðến lúc đó thì Sài Gòn mới có được đầy đủ vượng khí để vươn lên, nếu không phải là kinh đô của một cường quốc hùng mạnh, thì cũng là một trung tâm kinh tế thịnh vượng của thế giới.

Còn về vận khí của Sài Gòn thì đúng ra, Vận 1 là giai đoạn rất tốt đẹp, vì được mạch Trường Sơn ở phía Bắc hướng tới, nên chẳng những sẽ có vĩ nhân xuất hiện, mà còn được hưởng cảnh thanh bình, thịnh vượng. Nhưng chỉ vì thành phố nằm ở trong vùng đất hộ sa, vượng khí không thể tích tụ được nên nhân tài đã không thấy, mà cảnh phồn thịnh, sung túc cũng chỉ là hão huyền, chỉ cầu có được sự yên ổn làm ăn cũng đã là may mắn. Bước qua Vận 2, Sài Gòn bắt đầu đi vào thời kỳ suy yếu, vì khu vực phía Tây Nam đã có sông (Vàm cỏ), phía Ðông Bắc lại có núi tạo thành cách “Phục Ngâm”, “Phản Ngâm”, nên những mần mống rối loạn bắt đầu xuất hiện. Rồi đến các Vận 3, 4 đúng ra đều là những giai đoạn suy yếu của Sài Gòn, vì các mặt phía Ðông và Ðông Nam đều có biển cả bao la tức là bị “Phục Ngâm” rất nặng. Nhưng vì trong đất liền lại được những chi nhánh của mạch Trường Sơn tiến ra che chở, khiến cho sát khí từ ngoài biển không thể vào được tới thành phố, nên trong những Vận này, Sài Gòn lại tương đối yên ổn. Ðến Vận 5 đúng ra cũng là một giai đoạn hưng vượng của Sài Gòn, vì có núi, sông phò tá, hộ vệ ở bên ngoài, chính giữa lại có sông Sài Gòn uốn lượn êm đềm, tích tụ một nguồn sinh khí sung túc không thể diễn tả. Nhưng do không nằm đúng chân long, nguyên khí bị thất tán hết, nên sự hưng vượng cũng tan biến nhanh chóng. Ðã thế lại còn bị những tai họa lớn, vì khúc sông Sài Gòn cong vô chém vào trung tâm thành phố, gây ra những cảnh tượng chiến tranh, chém giết hỗn loạn vô cùng. Bước sang Vận 6, Sài Gòn vẫn tiếp tục bị chiến tranh đe dọa, tàn phá, do khu vực phía Tây Bắc là thượng nguồn của con sông Sài Gòn, tạo thành cách “Phục Ngâm”, đem sát khí đến cho thành phố. Phải đến khi qua tới Vận 7, nhờ cósông Ðồng Nai và sông Sài Gòn ở phía Ðông lúc đó là “Chính Thủy”, đem vượng khí trở lại nên Sài Gòn mới được quay về khung cảnh thái bình, yên ổn làm ăn của một thời thịnh trị. Qua tới Vận 8, khu vực thượng nguồn của sông Ðồng Nai ở phiá Ðông Bắc sẽ biến thành sát khí, gây nên những cuộc loạn lạc, chém giết khác. Ðến Vận 9, chiến tranh lại tiếp tục xảy ra, vì biển và cửa sông Sài Gòn ở phía Nam đều phạm phải cách “Phục Ngâm”, nên tai họa lại đến với thành phố.

Về lịch sử Sài Gòn thì cách đây hơn 300 năm, thành phố này còn nằm dưới quyền cai trị của nước Chân Lạp (tức Cam Bốt bây giờ). Ðến năm 1674, vào khoảng giữa Vận 9 Hạ Nguyên, chúa Nguyễn mới đem quân đánh chiếm khu vực này, rồi bắt đầu cho di dân tới, lập doanh trại và đồn điền để khai thác. Nhờ đất đai màu mỡ, lại nằm gần sông, biển, nên Sài Gòn ngày càng trở thành một trung tâm kinh tế quan trọng của miền Nam. Vào năm 1773, thành Sài Gòn được xây dựng lại cho thêm rộng lớn và kiên cố, từ đó biến thành một trong những đô thị lớn nhất trên đất nước ta, lúc đó đang ở trong Vận 5 Trung Nguyên. Nhưng công việc xây dựng vừa hoàn tất thì những biến động chính trị trong nước cũng bắt đầu xảy ra, đưa đẩy vùng đất hiền lành, yên tĩnh này vào vòng khói lửa.

Cũng trong năm 1773, anh, em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ phát động phong trào nổi dậy ở vùng Tây Sơn (thuộc tỉnh Quy Nhơn), chống phá lại chế độ tham nhũng, thối nát của triều đình chúa Nguyễn. Cùng lúc đó, quân Trịnh ở phía Bắc tràn xuống, đánh chiếm được vùng Thuận Hóa (tức Quảng Bình, Quảng Trị bây giờ), rồi uy hiếp Phú Xuân. Trước tình hình đó, chúa Nguyễn buộc phải lui về Quảng Nam, rồi sau lại chạy vào Gia Ðịnh (Sài Gòn) để luyện binh, tuyển tướng, mưu đồ khôi phục sự nghiệp.

Vào năm 1775, Nguyễn Lữ đem quân vào đánh Sài Gòn, khiến cho chúa Nguyễn phải chạy về Biên Hòa, nhưng sau nhờ có Ðỗ thành Nhân đem quân đến giúp, chúa Nguyễn lại chiếm được thành phố này.

Năm 1777, cũng trong Vận 5, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ đem quân vào Nam, bình định được thành Gia Ðịnh, bắt được chúa Nguyễn rồi giết đi, nhưng có người cháu là Nguyễn Ánh trốn thoát được sang Thái Lan. Rồi chờ đến khi Nguyễn Huệ đã bỏ về Quy Nhơn thì lại đem quân về khôi phục đất Gia Ðịnh.

Ðầu năm 1782, Nguyễn Huệ lại trở vào Nam, đánh bại Nguyễn Ánh tại đất Gia Ðịnh và cửa sông Sài Gòn, rồi rượt đuổi ra tới Phú quốc. Nhưng khi Nguyễn Huệ vừa quay về Quy Nhơn thì Nguyễn Ánh cũng từ Phú quốc trở lại tái chiếm thành Gia Ðịnh.Vào năm 1783, tức năm cuối cùng của Vận 5, Nguyễn Huệ lại mang quân vào, đại phá quân Nguyễn Ánh tại cửa sông Sài Gòn. Sau trận ác chiến này, Nguyễn Ánh đã sức cùng, lực kiệt nên liền sang Thái-lan cầu viện. Nhưng đạo quân cướp nước này vừa đi đến Ðịnh-tường thì bị Nguyễn Huệ chận đánh tan tành, khiến cho Nguyễn Ánh phải chạy sang Thái-lan nương náu.

Mãi đến năm 1787, đầu Vận 6, nhân lúc Nguyễn Huệ đang lo đối phó với tình hình hỗn loạn trên đất Bắc, Nguyễn Ánh mới bí mật trở về Long -xuyên, dần dần phát triển lại thế lực. Cuối năm đó, Nguyễn Ánh dốc toàn lực tấn công thành Gia Ðịnh, nhưng vì tướng Tây Sơn là Phạm văn Tham quyết chiến giữ thành, nên phải sau 10 tháng công phá, thành Gia Ðịnh mới bị hạ.

Kể từ lúc đó, Sài Gòn mới tạm thời không còn nhìn thấy cảnh binh đao, chém giết, nhưng bầu không khí vẫn nặng nề vì cuộc chiến tranh với nhà Tây Sơn vẫn tiếp tục diễn ra. Cũng may cho Nguyễn Ánh là trong lần đọ sức này, tuy vận khí của Sài Gòn rất xấu (Vận 6), nhưng vận khí của Huế còn tệ hại hơn nhiều. Bởi thế nên sau nhiều chiến dịch hành quân vất vả, cuối cùng Nguyễn Ánh cũng diệt được nhà Tây Sơn và lập ra nhà Nguyễn vào năm 1802, lúc đó đã vào cuối Vận 6.

Sau cuộc chiến tranh này, Nguyễn Ánh (tức vua Gia Long) chọn kinh đô là Phú Xuân, để Lê văn Duyệt ở lại trấn thủ Sài Gòn. Trong thời gian Lê văn Duyệt cai quản (từ năm 1802 đến 1833, tức là từ cuối Vận 6 đi qua hết Vận 7 sang đến giữa Vận 8), Sài Gòn được yên ổn làm ăn, nên dần dần cũng được trở lên khá sung túc. Nhưng sau khi ông qua đời, triều đình nhà Nguyễn lại khép ông vào tội phản nghịch, rồi cho lùng bắt cả dòng họ, quyến tộc, khiến cho người con nuôi của ông là Lê văn Khôi phải nổi lên chống lại. Cũng trong năm 1833, Khôi nổi lên giết quan Tổng trấn Gia Ðịnh, tự xưng là Ðại Nguyên soái, rồi đem quân đi chiếm trọn Nam kỳ. Sau triều đình phải dốc toàn lực đánh dẹp, Khôi bị yếu thế nên rút về thành Gia Ðịnh (lúc đó đổi tên là Phiên-an) cố thủ, mãi đến năm 1835 thì thành mới bị hạ. Sau khi chiếm được thành, quan quân xông vào chém giết thẳng tay, bất kể đàn bà, con nít, gây nên một cuộc thảm sát dã man hiếm có trong lịch sử dân tộc. Rồi thành Gia Ðịnh bị san thành bình địa, những cuộc truy nã, bắt bớ tiếp tục diễn ra, những luật lệ khắt khe được đem ra áp dụng, khiến cho thành phố Sài Gòn chưa kịp vươn lên đã bị tàn lụi, suy sụp hẳn.

Bản đồ Sài Gòn 1982
Bản đồ Sài Gòn và vùng phụ cận năm 1892 (vẽ trên tường đại sảnh của Bưu Điện Sài Gòn)

Sau biến cố Lê văn Khôi, tình hình của Sài Gòn tạm thời lắng đọng xuống, tuy rằng những cuộc xung đột với Thái Lan và Cam Bốt vẫn tiếp tục diễn ra. Trong khi đó, triều đình nhà Nguyễn ngày một yếu hèn, suy nhược, khiến cho thực dân Pháp bắt đầu dòm ngó nước ta, rồi cuối cùng trắng trợn tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược. Vào năm 1859, khi quân Pháp nổ súng tấn công và đánh chiếm được thành Sài Gòn thì lúc đó cũng đang trong Vận 9 Hạ Nguyên. Liên tiếp trong hơn 2 năm trời, triều đình nhà Nguyễn huy động đại quân vào Nam, cố sức đánh phá để lấy lại Sài Gòn nhưng không có kết quả. Sang năm 1861, cũng vẫn trong Vận 9, Pháp mở cuộc tấn công đánh tan lực lượng quân sự nhà Nguyễn tại đồn Kỳ Hòa (thuộc khu Gia Ðịnh bây giờ), rồi thừa thắng tung quân đánh chiếm toàn thể Nam kỳ. Mặc dù gặp phải những cuộc chống phá rất quyết liệt, nhưng đến năm 1868, khi cuộc khởi nghĩa của Nguyễn trung Trực bị dập tắt, Pháp đã hoàn toàn bình định được miền Nam, lúc đó đã bước sang Vận 1 Thượng Nguyên. Rồi Pháp bắt đầu thiết lập hệ thống hành chánh, cai trị, biến miền Nam thành thuộc địa, thay đổi một số luật lệ, mở mang một vài lãnh vực về kinh tế và thương mại. Kể từ đó, tình hình của Sài Gòn trở nên lắng đọng hẳn, tuy đôi lúc cũng có một vài tổ chức, phong trào chống Pháp nổi lên, nhưng đa số đều có tính cách ôn hòa, và cũng không làm được gì đáng kể. Mãi đến khi bước vào Vận 5 (1944), tinh thần quật khởi của Sài Gòn mới bắt đầu bộc phát trở lại, dẫn đến cao trào cách mạng 1945 lật đổ nền đô hộ của thực dân Pháp. Nhưng liền sau đó, Pháp quay trở lại tái chiếm Sài Gòn, mở màn cho cuộc chiến tranh khốc liệt từ Bắc vào Nam trong suốt 9 năm trời, đến khi bị đại bại ở Ðiện biên Phủ (1954) mới chịu rút chân ra khỏi Việt Nam.

Bản đồ Sài Gòn 1931
Bản đồ Sài Gòn trong tập Bản đồ Nam Kỳ, in để tham dự triển lãm thuộc địa năm 1931

Khi hiệp định Geneve năm 1954 chia cắt đất nước thành 2 miền, Tổng thống Ngô đình Diệm về Sài Gòn thành lập chính phủ tự do để quản trị miền Nam, lúc đó đang là giữa Vận 5 Trung Nguyên. Nhưng ngay từ bước đầu, ông đã gặp phải sự chống đối dữ dội của các phe phái Bình Xuyên, Cao Ðài, khiến cho chiến sự lại xảy ra ngay trong giữa thành phố Sài Gòn. Ðến khi những vụ phiến loạn này vừa được dẹp yên thì lại xảy ra cuộc đàn áp Phật giáo, giữa lúc cuộc chiến tranh với Cộng sản ở miền Nam ngày càng lan rộng, tạo nên một bầu không khí hoang mang, hỗn loạn cho Sài Gòn. Ðến năm 1963, tức là năm cuối cùng của Vận 5 thì Tổng thống Ngô đình Diệm bị các tướng lãnh miền Nam lật đổ rồi hạ sát.

Sau cuộc chính biến này, tình hình ở Sài Gòn (và miền Nam nói chung) vẫn không có gì sáng sủa, trái lại càng rối loạn hơn vì các tướng lãnh tiếp tục tranh giành địa vị, khiến cho những cuộc đảo chánh liên tiếp xảy ra. Phải đến năm 1967, khi quyền hành đã lọt hết vào tay Tổng thống Nguyễn văn Thiệu thì tình hình chính trị của miền Nam mới tạm yên. Nhưng lúc đó cũng đã vào đầu Vận 6, cuộc chiến tranh với Cộng sản lại trở nên ác liệt hơn bao giờ hết, với những chiến dịch và những trận đánh quy mô mỗi lúc một diễn ra nhiều hơn.

Vào năm 1968, Cộng sản mở cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, đánh phá Sài Gòn và các thành phố trên toàn miền Nam. Phải sau nhiều đợt phản công rất quyết liệt, quân Cộng sản mới bị đẩy lui và nền an ninh của miền Nam (cũng như Sài Gòn) mới được tái lập.

Bốn năm sau, vào năm 1972, Hà Nội lại mở cuộc tổng tấn công đại quy mô suốt từ Quảng Trị vào tới Bình Long, đe dọa nghiêm trọng sự sống còn của thủ đô Sài Gòn. Mặc dù sau những trận chiến vô cùng ác liệt, quân đội miền Bắc lại bị đẩy lui và miền Nam vẫn được giữ vững, nhưng cũng từ đó, chính phủ Sài Gòn ngày một suy yếu. Ðến khi Cộng sản mở cuộc tổng tấn công lần thứ 3 vào đầu năm 1975 thì Sài Gòn cũng như thể chế chính trị của miền Nam liền bị sụp đổ một cách nhanh chóng.

Nhưng khi cuộc chiến tranh Quốc-Cộng vừa chấm dứt, thì cuộc chiến tranh với Cam Bốt, rồi Trung Cộng lại diễn ra, khiến cho bầu không khí của Sài Gòn vẫn tiếp tục căng thẳng, ngột ngạt. Phải đến khi bước sang Vận 7 (1984 – 2003), thì Sài Gòn mới thực sự được quay về với cảnh thanh bình, yên ổn làm ăn, nhưng sự thịnh vượng vẫn chỉ rất hạn hẹp, tương đối, chứ không sao vươn mình lên được với cộng đồng thế giới. Hiện tại (2002) đang là giai đoạn cuối cùng của Vận 7, chỉ sợ rằng khi bước qua vận 8, Sài Gòn sẽ lại gặp phải những cuộc binh đao, chếm giết đổ máu khác.

Tóm lại, sau khi đã nhìn qua địa thế, cũng như lịch sử của thành phố, ta thấy do vị trí tọa lạc sai lệch, Sài Gòn đã bỏ mất nhiều cơ hội để phát triển lên thật hùng mạnh, sung túc. Ðã thế lại còn bị khúc sông Sài Gòn chém tới, khiến cho tai họa thường xảy đến dồn dập, chẳng những trong các Vận xấu mà ngay cả trong các Vận được coi là tốt đẹp. Ðúng ra, nếu nằm trong vị trí của chân long (tức khu vực giữa sông Ðồng Nai và sông Sài Gòn), Vận 1 sẽ là giai đoạn cực thịnh của thành phố. Vào lúc đó, Sài Gòn sẽ có được những lãnh tụ tài ba (do mạch Trường Sơn ở phía Bắc đâm xuống), đồng thời cũng trở nên thịnh vượng, sung túc không thể diễn tả (do vượng khí từ cửa sông Sài Gòn và vùng biển mênh mông nơi phía Nam đưa tới). Ðàng này vì nằm trong vùng đất hộ sa, nên chỉ được mấy ông quan Pháp tới, thay đổi được một vài luật lệ và chính sách quá lỗi thời và khắc nghiệt. Bước sang Vận 2, mặc dù Sài Gòn bị thế “Phục Ngâm” của sông Vàm Cỏ và sông Cửu Long ở phía Tây Nam, nên mức độ thịnh đạt không còn được như trước. Nhưng con sông Ðồng Nai bắt nguồn từ phía Ðông Bắc lại là “Chính Thủy” vẫn sẽ đem vượng khí đến cho Sài Gòn, nên những nền tảng kinh tế, thương mại của thành phố vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển. Qua các Vận 3 và 4, thế “Phục Ngâm” của biển Ðông ở phía Ðông và Ðông Nam đã bị những nhánh núi của mạch Trường Sơn tiến ra ngăn cản nhiều, không còn gây ra những tai họa lớn. Chẳng những thế, nếu Sài Gòn nằm tại chân long, thì con sông Sài Gòn lại thuộc về phía Tây và Tây Bắc của thành phố, nên sẽ tiếp tục đem vượng khí đến. Nhất là trong Vận 3, khúc sông Sài Gòn uốn lượn, ôm ấp lấy khu vực Thủ Thiêm, nguyên khí tích tụ vô cùng sung mãn, nên sẽ đem lại cho thành phố một giai đoạn hưng vượng đến cực độ lần thứ hai. Còn đối với vị trí hiện tại, thì 2 con sông Ðồng Nai lẫn Sài Gòn đều nằm tại phía Ðông của thành phố, rồi khúc sông Sài Gòn cũng từ phía Ðông chém tới. Bởi thế cho nên vận khí của Sài Gòn trong những giai đoạn này đều quá suy nhược, không sao có thể vươn lên mạnh mẽ được, lại còn dễ xảy ra những vụ xung đột, chém giết làm náo loạn cả thành phố.

Riêng Vận 5 là một giai đoạn đặc biệt, vì đây là lúc Sài Gòn đắc cách Long-Hổ hộ vệ, Huyền vũ che chở, vượng khí của cả miền Nam đều hội tụ về đây. Ðúng ra phải là một giai đoạn cực thịnh không thể diễn tả, với đầy đủ chúa thánh, tôi hiền để cai trị, dẫn dắt muôn dân. Tiếc rằng chỉ vì Sài Gòn nằm trong vùng đất hộ sa, không phải là nơi có thể kết tụ được nguyên khí, nên chỉ như ngọn lửa bùng lên giữa đêm đông rồi chợt tắt. Ðã thế lại còn bị khúc sông Sài Gòn ở ngay bên chém tới là một điều tối nguy hiểm, vì nó không những thường xuyên gây ra nhiều tai họa cho thành phố, mà trong Vận 5, mức độ độc hại của nó lại càng tăng thêm gấp bội. Bởi thế nên trong giai đoạn này, Sài Gòn chẳng những sẽ gặp cảnh chiến tranh, loạn lạc, mà ngay cả những người lãnh đạo nơi đây cũng dễ bị hung tử. Ngược lại, nếu như thành phố Sài Gòn nằm tại chân long, thì chẳng những sẽ tránh được họa chiến tranh, mà còn trở nên một thành phố hùng cường và thịnh vượng bậc nhất trong khu vực Ðông Nam Á Châu cũng như trên thế giới.

Bước qua Vận 6, vì khu vực phía Tây Bắc là thượng nguồn của con sông Sài Gòn, nên dù nằm ở vị trí nào thì Sài Gòn cũng sẽ bị chiến tranh rất lâu dài đe dọa. Nhưng nếu nằm ở vị trí hiện tại thì do nguyên khí của thành phố quá yếu, nên nếu không may gặp phải một quốc gia đối địch có nguyên khí của thủ đô mạnh hơn thì Sài Gòn sẽ dễ lãnh lấy phần chiến bại. Còn nếu nằm trong khu vực của chân long thì khó có quốc gia nào có thể đánh bại được Sài Gòn, vì nguyên khí ở đây đã quá đầy đủ, sung mãn, nên dù gặp sát khí chiếu đến cũng khó lòng mà bị suy sụp hoàn toàn được.

Rồi đến Vận 7 là thời gian hòa bình, an cư lạc nghiệp của Sài Gòn, nhưng nếu nằm ở vị trí hiện tại thì tuy được cả 2 con sông Ðồng Nai và Sài Gòn cùng nằm ở phía Ðông chiếu tới (tức là được “Chính Thủy”). Nhưng vì bị khúc sông Sài Gòn chém vào nên mặc dù cũng được yên ổn làm ăn, nhưng những tệ nạn xã hội như trộm cắp, đĩ điếm thường lan tràn. Ngoài ra, cũng vì lý do đó, cộng với vấn đề nằm trong vùng hộ sa, nên dù có được một giai đoạn hòa bình khá lâu dài, Sài Gòn vẫn không sao trở thành một trung tâm kinh tế và mậu định tiên tiến cũng như hùng cường được. Còn nếu như nằm trong khu vực của chân long, thì mặc dù sẽ bị một số biến động (như chiến tranh hoặc trì trệ kinh tế…), do con sông Sài Gòn lúc đó lại nằm ở phía Tây tức bị Phục Ngâm, đem sát khí đến cho thành phố. Nhưng vì con sông Ðồng Nai vẫn nằm ở phía Ðông, đem vượng khí đến với Sài Gòn, nên rồi thành phố sẽ vượt qua được mọi khó khăn để tiếp tục phát triển, vươn lên.

Qua Vận 8, thượng nguồn của sông Ðồng Nai ở phía Ðông Bắc là sát khí, nên dù nằm ở vị trí nào Sài Gòn cũng sẽ có chiến tranh, loạn lạc. Nhưng nếu nằm ở khu vực hiện tại thì còn bị thêm con sông Sài Gòn cũng đi qua khu vực phía Ðông Bắc nữa, khiến cho sát khí trùng trùng, nên mới bị đại họa thê thảm như sau vụ khởi nghĩa của Lê văn Khôi trước đây. Còn nếu dời vào khu vực giữa 2 con sông thì chỉ còn sát khí của sông Ðồng Nai, nên tuy vẫn bị chiến tranh, nhưng do nguyên khí còn vượng, nên dù gặp nhiều cơn sóng gió Sài Gòn vẫn chưa bị suy tàn hẳn.

Ðến Vận 9 mới là thời kỳ tàn tạ, vì cửa sông Sài Gòn và vùng biển nơi phía Nam lúc đó sẽ đem đến sát khí quá nặng, nên dù tọa lạc ở khu vực nào, Sài Gòn cũng đều bị thảm họa chiến tranh. Nhưng nếu nằm ở khu vực hiện tại, Sài gòn còn bị khúc sông chém vào, vận khí của thành phố sẽ quá kiệt quệ, nên việc suy vong, mất nước, phải làm nô lệ cho người là điều chắc chắn. Nếu đọc kỹ lịch sử, chúng ta sẽ thấy khi chúa Nguyễn chiếm Sài Gòn, hay khi Pháp hạ thành Gia Ðịnh đều xảy ra trong Vận 9. Ngược lại, nếu được dời vào khu vực của chân long, thì mặc dù lúc đó Sài gòn cũng rất yếu ớt, lại không có được lãnh tụ tài ba nên khi có chiến tranh sẽ không thể cản được bước tiến của giặc thù. Nhưng rồi chẳng bao lâu, tinh thần quật khởi của Sài Gòn lại bộc phát, để đến khi bước vào Vận 1 Thượng Nguyên thì sẽ có vĩ nhân xuất hiện đem lại cảnh thanh bình và vinh quang đến cho thành phố, cũng như cho đất nước, dân tộc.

Tác giả LÂM QUỐC THANH

 

 

Ý nghĩa các vật phẩm phong thủy

Khám phá bí ẩn 10 vật khí phong thủy thông dụng và 5 loại tiền xu trấn yểm.

Phong thủy Á

Vật phẩm phong thủy không phải chỉ để bày biện cho đẹp, mỗi biểu tượng đều sở hữu công năng riêng biệt tác động vào cuộc sống của chủ nhân. Nên bày vật phẩm Phong Thủy trong nhà mà không hiểu biết ý nghĩa của nó quả thực rất nguy hiểm.

 

VẬT PHẨM CẦU CÔNG DANH VÀ TÌNH DUYÊN

1. Hoa mẫu đơn – Biểu tượng cho sự sang trọng, quý phái và hấp dẫn

Người không những mong muốn thêm người, thêm của mà còn một điều mong ước nữa thường được thể hiện trong các câu chúc tụng nhau – đó là phú quý. Vì vậy, nhiều người thích trồng hoa cảnh hoặc cắm hoa trong nhà, một số loài hoa không những được người đời ưa thích mà còn coi đó là biểu tượng của phú quý, giàu sang, ví dụ Hoa mẫu đơn.

Hoa Mẫu Đơn - Peonies

Tương truyền rằng, năm khai nguyên nhà Đường, thiên hạ rất thanh bình, nghe đâu năm đó ở Trường An, hoa mẫu đơn nở rộ, khi Đường Huyền Tông thưởng thức hoa mẫu đơn ở trong nội điện muốn cao hứng ngâm vịnh một bài thơ về hoa mẫu đơn, nhưng nhà vua chưa biết nên ngâm bài thơ nào, lúc đó Trần Tu ở bên cạnh liền tâu rằng: Nên ngâm bài thơ của Lý Chính Phong, trong bài này có câu:

Thiên hương tại nhiễm y / Quốc sắc triều hàm tửu.

(tức: “Hương trời nhuốm màu áo, sắc nước say cả triều”)

Về sau người ta dùng từ “quốc sắc thiên hương” (sắc nước hương trời) để hình dung hoa mẫu đơn. Nhưng Âu Dương Tu lại có cách phác họa khác là:

“Thiên hạ chân hoa độc mẫu đơn”

(tức: “Chỉ có mẫu đơn mới xứng đáng là hoa thật trong thiên hạ”).

Dường như mẫu đơn càng đẹp hơn, quý hơn nhờ được hai nhà thơ tôn vinh, còn người đời coi mẫu đơn là biểu tượng của phú quý, trong các dịp khai trương, người ta hay tặng nhau tượng hoặc tranh mẫu đơn để chúc nhau phú quý.

Tranh mẫu đơn
Những bức tranh phong thủy về Hoa mẫu đơn

Hoa Mẫu Đơn được mệnh danh là bà chúa của các loài hoa. Loài hoa này thể hiện vẻ đẹp sang trọng, quý phái, sức hấp dẫn nồng nàn, cảm xúc của sức trẻ toát ra mạnh mẽ. Tinh hoa nó toát ra đem lại vẻ đẹp, sức quyến rũ và may mắn trong tình yêu.

Hoa mẫu đơn
Vì lẽ đó, bạn nên đặt tượng hoặc tranh hoa mẫu đơn tại cung tình duyên (Tây Nam) trong phòng ngủ nhà mình.

2. Vương trượng – Biểu trưng cho uy quyền

Vương trượng (Gậy như ý) là những vật hình cong đầu rất lớn. Ý nghĩa của biểu tượng là cầu mong đạt được mọi ước nguyện, việc gì cũng tốt đẹp, vừa ý. Trong tâm linh Phúc – Lộc – Thọ, thì Ông Lộc trong tay cũng cầm Vương Trượng. Đa phần, Vương Trượng được chế tác bằng ngọc nhưng cũng có thể làm bằng chất liệu khác như vàng, bạc đồng, sứ…

Vương trượng mạ vàng – vật biểu tượng của quyền lực
Vương trượng mạ vàng – vật biểu tượng của quyền lực

Vương trượng là vật đại diện cho quyền lực mà ngày xưa các vị quan lại vua chúa luôn sở hữu. Nó là vật khí rất quan trọng trong Phong Thủy chuyên dùng để củng cố địa vị và quyền lực, chống lại kẻ tiểu nhân; tăng thêm công danh, uy quyền, sự tôn nghiêm cho người sở hữu.

Vương trượngđược mạ vàng, kèm thêm những viên ngọc nên cát khí của nó rất lớn, không những hoá giải được hung khí của sao Ngũ Hoàng, Nhị Hắc vốn gây tai họa mà còn đem lại uy quyền và công danh tài lộc.

Vương trượng rất thích hợp dùng cho người mệnh cao, giữ trọng trách lớn. Đặt trên bàn làm việc, trong phòng khách, văn phòng.

3. Tháp Văn Xương – Đem lại may mắn trong học tập và công việc

thap-van-chuong-tay-nam

Tháp Văn Xương hiện là một ngôi bảo tháp hàng đầu ở phía nam Quảng Tây, Trung Quốc. Tháp thường được xây dựng theo hình bát giác, cao tầm 36 – 45m, gồm 7 tầng với mái hiên bằng gạch trồng lên nhau và nhỏ dần từ tầng dưới lên tầng trên, đỉnh tháp là một khối hình hồ lô màu đỏ. Người Trung Quốc thường đến đây để cầu đỗ đạt, thăng tiến trong học tập và công danh sự nghiệp.

 

Ngoài ra, họ còn có thói quen bày mô hình tháp ở vị trí Văn Xương trong nhà. Bởi theo quan niệm từ xa xưa, chùa tháp tượng trưng cho trí tuệ và pháp lực vô biên của nhà Phật nên tháp bày trong nhà sẽ có tác dụng bảo vệ và đem lại may mắn, thuận lợi trong học hành, thi cử

 

Tháp Văn Xương có khả năng ngăn ngừa hung khí, tà ma bởi và được sử dụng trong việc loại trừ ma quỷ. Nó cũng rất hữu dụng cho những ai sắp trải qua những kỳ thi cử quan trọng hoặc những người muốn tăng tiến về trí tuệ và công danh.

 

Nếu dạo qua các cửa hàng chuyên bán đồ phong thủy, có thể dễ dàng nhận ra những mô hình tháp Văn Xương được chế tác từ thạch anh, ngọc lục bảo, pha lê hoặc đồng… bày bán khắp nơi. Trong trường hợp gia đình có con, cháu sắp phải tham dự kỳ thi lớn như tốt nghiệp, đại học…, tốt nhất nên đặt tháp Văn Xương trên bàn học của cháu, đúng huyệt văn xương trong nhà để cầu may mắn. (Huyệt văn xương ứng với năm sinh của mỗi người khác nhau sẽ khác nhau).

 

 

 

 

 

Tháp Văn Xương thường được trưng trong nhà để cầu thi cử đỗ đạt,

Đặt tại bàn làm việc để cầu công danh thăng tiến: Nam đặt bên trái, Nữ đặt bên phải.

Tháp văn xương bằng đá phong thủy
Tháp văn xương bằng đá phong thủy

4. Quả cầu Phong thuỷ – Giúp trí tuệ minh mẫn, cải thiện trì trệ

Quả cầu thủy tinh là biểu tượng của trí tuệ và sự may mắn. Người ta cho rằng, quả cầu giúp tăng trí thông minh, công danh và tài lộc, đỗ đạt khoa bảng, cải thiện sự trì trệ và bế tắc trong công việc.

Trong vận 8, cát khí của sao Bát Bạch Thổ tinh phát ra mạnh nhất chi phối toàn bộ Tinh Bàn. Quả cầu thuỷ tinh mang cát khí của Thổ. Vì thế quả cầu thuỷ tinh là vật khí có năng lượng vô cùng mạnh mẽ cho những ai theo đuổi việc học hành cũng như thúc đẩy bạn quan tâm, chú ý hơn đến việc học hành.

Mặt khác, người ta còn quan niệm quả cầu mang nguyên khí của trái đất, tức Thổ. Chất làm quả cầu – pha lê – cũng là nguyên khí của Thổ đem lại Dương khí. Trong Phong Thuỷ thì đây là pháp khí rất quan trọng để bổ sung Dương khí. Dùng nơi âm khí quá vượng, tối tăm, thiếu ánh sáng để chống Âm khí gây hoạ như bệnh tật, tán tài, thị phi, tiểu nhân…

Quả cầu thạch anh
Quả cầu thạch anh

 

Quả cầu ngọc thường được bày trên bàn làm việc hoặc tủ, kệ – nơi âm khí vượng

Bạn nên bày Quả cầu trên bàn học, bàn làm việc hoặc tủ sách, giá sách. Hoặc nơi các cát tinh Thiên Y, Diên Niên, nơi Âm khí vượng. Tránh bày trong bếp, nhà vệ sinh, nơi Tuyệt Mệnh, Ngũ Quỷ chiếm đóng.

Cầu thuỷ tinh mang lại sự thông tuệ, uyên bác, sáng suốt, chôi chảy và mở mang mối quan hệ, giao tiếp cho bạn. Tất cả các doanh nghiệp thành đạt, những người giàu có, học vấn cao, luật sư, chính trị gia, đều đặt cầu thuỷ tinh trên bàn làm việc.

Cầu thuỷ tinh cũng đem lại sự tôn trọng, tự tin, may mắn đến cho bạn. Đặc biệt với các nhà doanh nghiệp, cầu thuỷ tinh đảm bảo công việc kinh doanh trôi chảy, phát đạt, đó cũng là lý do tại sao rất nhiều logo của các công ty làm ăn phát đạt có hình quả cầu.

 

VẬT PHẨM CẦU TÀI LỘC, VƯỢNG CÁT

Ngoài Tỳ Hưu và Thiềm Thừ – hai linh vật phong thủy đứng đầu về khả năng chiêu tài khí, tạo may mắn về tài lộc trong kinh doanh, thì bên cạnh đó vẫn còn những vật phẩm phong thủy khác được cho là rất linh thiêng trong việc nâng cao vận khí về tài lộc như sau:

5. Cá chép – Mở rộng đường khoa bảng, công danh

Truyền thuyết kể rằng: “Vào một năm nọ, nạn hạn hán hoành hành vì số Rồng quá ít, không đủ làm mưa điều hoà cho cả nhân gian. Ngọc Hoàng thượng đế liền tổ chức một cuộc “Thi Rồng” nhằm tuyển chọn các con vật đủ khả năng, phẩm chất làm Rồng cứu nhân độ thế. Khi chiếu Trời ban xuống, vua Thuỷ Tề loan báo cho tất cả các cư dân dưới nước tham gia vào cuộc thi. Cuộc thi có ba kì. Mỗi kì vượt qua một đợt sóng. Con vật nào đủ sức, đủ tài, vượt được cả ba đợt thì mới được hóa Rồng.

 

Cá Chép rất linh nghiệm khi cầu học hành thi cử đỗ đạt
Cá Chép rất linh nghiệm khi cầu học hành thi cử đỗ đạt

Trong một tháng trời, đại diện của bao nhiêu loài thuỷ tộc đến thi đều bị loại cả vì không con nào vượt được cả ba đợt sóng. Sau có cá Rô nhảy qua được một đợt nhưng cũng bị rơi ngay. Rồi đến Tôm nhảy qua được hai đợt, ruột, gan, vây, vẩy, râu, đuôi, đã gần hoá Rồng, nhưng đến lượt thứ ba vì sức đã đuối nên bị ngã xuống, khiến lưng còng lại đến tận ngày nay.

Đến lượt Cá Chép vào thi thì gió thổi ào ào, mây kéo ầm trời. Chép ta vượt luôn một hồi qua ba đợt sóng, và lọt vào cửa Vũ môn. Khi đó, Cá Chép được hoá thân, vẩy, đuôi, râu, sừng mọc ra, vóc dáng bỗng trở nên oai linh, giống hệt thần Rồng. Sau khi hoá Rồng, Chép phun nước làm gió táp, mưa sa, cứu độ muôn loài thoát khỏi hạn hán, sự sống hồi sinh”.

Vì vậy, Cá Chép được coi như một biểu tượng cực kỳ may mắn. Nên nếu nhà có trẻ nhỏ bắt đầu đi học, nên tìm mua một con Cá Chép phong thủy bằng ngọc hoặc đồng để cầu may mắn thuận lợi cho bé trong con đường học hành, thi cử.

Nếu nhà có trẻ nhỏ bắt đầu đi học nên mua Cá Chép về trưng trong nhà
Nếu nhà có trẻ nhỏ bắt đầu đi học nên mua Cá Chép về trưng trong nhà

Theo học thuyết Phong Thủy, sự kích hoạt cho dòng “Thủy” tại căn nhà nơi ta sinh sống là một trong những điều tối quan trọng. Trong khi đó, Cá Chép được cho là linh vật số 1 trong việc kích thích “nguồn Thủy” tại nơi nó trấn giữ.

Quả cầu pha lê cá chép
Quả cầu pha lê cá chép

Cá chép kết hợp với quả cầu pha lê – hai vật phong thủy rất linh cho đường học vấn

Vì thế mà người đời cho rằng Cá Chép đem đến vận may, hoá giải sát khí, bệnh tật và tai hoạ. Cá Chép nếu để trong nhà sẽ mang lại sự may mắn, thịnh vượng, còn để ở bàn làm việc sẽ mang lại thành công sự nghiệp, thăng quan tiến chức.

6. Ngựa – Biểu tượng cho kinh doanh phát đạt

Ngựa là con vật rất trung thành, không những thế ngựa còn là hình ảnh của sự kiên nhẫn, bền bỉ, may mắn và thuận lợi. Người xưa cũng thường dùng ngựa để chúc tụng nhau trong hành sự hay làm ăn, ví dụ như: “Mã đáo thành công”.

Một trong những biểu tượng Ngựa Phong Thủy thường thấy là hình ảnh Ngựa phi nước đại (hay “Lộc Mã”). Biểu tượng này tượng trưng cho sự phát đạt trong kinh doanh, sự nhanh nhạy và tăng tiến trong tiền tài. Ngựa phi nước đại còn hàm ý về sự đi xa, nên rất thích hợp cho những người hay đi công tác lâu ngày hoặc bôn ba đây đó. Đây là một vật khí không thể thiếu cho những doanh nhân thường xuyên đi xa. Trong trường hợp này, nên đặt ngựa ở hướng Tây, Tây Bắc hoặc Đông Bắc để tăng cường cát khí cho các sao tốt ở các hướng này.

Ngựa phong thủy
Tượng Ngựa phi nước đại bằng đá quý

Ngoài ra, chúng ta cũng thường nhìn thấy biểu tượng Ngựa kéo của cải. Với biểu tượng này, Ngựa sẽ đem của cải về nhà, tiền của vào như nước. Vì vậy, nên đặt Ngựa kéo của cải ở phòng khách, bàn làm việc và chú ý quay đầu ngựa vào phía trong nhà.

Nhiều người cũng quan niệm bày Ngựa Phong Thủy trên bàn làm việc, bàn học hoặc tại vị trí của huyệt tài vị trong nhà, hướng đầu ngựa ra cửa chính hoặc cửa sổ sẽ đem lại Đại Cát.

Đối với những ai thích dùng Ngựa Phong Thủy, xin được mách một vài điểm lưu ý như sau:

•Người tuổi Tý tránh dùng biểu tượng hay tranh ảnh ngựa.

•Không được đặt ngựa trong bếp, trong nhà tắm.

•Nếu đặt nhiều con ngựa, thì Tam mã – 3 con, sẽcó tác dụng phát huy Thổ khí trong “Vận Tám” nên còn có tác dụng bổ trợ phong thủy cho văn phòng. Lục mã – 6 con, thì rất tốt cho việc sinh tài lộc. Bát mã – 8 con phi nước đại tượng trưng cho sao Bát Bạch rất vượng khí, nên sẽ đem lại nguồn tài lộc dồi dào, vô tận cho gia chủ.

•Ngựa không được dùng trong việc hóa giải sát khí.

•Dùng Ngựa Phong Thủy khi bạn đang cầu mong tài lộc, phát đạt trong kinh doanh, tăng tiến về tiền tài, và các dự án được hoàn thành sớm trước dự kiến.

Treo tranh Bát Mã trong nhà, tài lộc vào nhà dồi dào như nước
Treo tranh Bát Mã trong nhà, tài lộc vào nhà dồi dào như nước
Tượng Tam Mã bằng gỗ quý rất có lợi cho việc hỗ trợ vận khí văn phòng làm việc
Tượng Tam Mã bằng gỗ quý rất có lợi cho việc hỗ trợ vận khí văn phòng làm việc

 

7. Thuyền buồm – Công việc làm ăn thuận buồm xuôi gió

Theo phong thủy, thuyền buồm được xem là biểu tượng của thành công trong kinh doanh. Bởi vì nó tượng trưng cho Gió (một trong hai yếu tố quan trọng nhất của Phong Thủy – gió, nước), mang lại nhiều cuộc giao dịch kinh doanh tốt đẹp và thu được nhiều lợi nhuận. Sau biểu tượng rồng, hình ảnh thuyền buồm là biểu tượng được giới doanh nhân Trung Quốc ưa chuộng nhất.

Thuyền buồm là biểu tượng thành công trong kinh doanh
Thuyền buồm là biểu tượng thành công trong kinh doanh

Để kích hoạt vận may trong kinh doanh, bạn hãy đặt một chiếc thuyền buồm trên bàn làm việc hay gần cửa ra vào sao cho chiếc thuyền di chuyển theo hướng đi vào bên trong văn phòng, công ty.

Không nên để thuyền buồm hướng ra ngoài cửa, vì như thế nó lại mang ý nghĩa là thuyền buồm mang tiền bạc ra khỏi nhà.

Quà tặng rất ý nghĩa cho những ai làm kinh doanh
Quà tặng rất ý nghĩa cho những ai làm kinh doanh

Trong phong thủy, thuyền buồm lộng gió chở đầy vàng đến cho bạn được xem là thuận lợi nhất. Do đó, bạn có thể mua thuyền buồm rồi chất đầy trong lòng thuyền những nén vàng và tiền xu cổ Trung Quốc, sau đó đặt vào những vị trí như đã nêu trên.

8. Voi – Linh vật hút tài lộc số một

Voi là con vật hay giúp đỡ con người. Ngay cả trong Phật giới cũng có thờ Thần Đầu Voi. Truyền thuyết cho rằng voi được sinh ra từ các mảnh vụng tan ra của sao Dao Quang. Vì thế, voi được coi là loài vật vô cùng linh thiêng. Mặt khác, voi là loài vật to lớn mạnh mẽ, nên bày voi trong nhà, thì vận nhà được bình ổn, người trong nhà làm ăn thuận lợi.

Tượng voi thường được gặp ở các đền, chùa… Vì Voi trong Phong Thủy là loài vật trấn trạch rất linh thiêng
Tượng voi thường được gặp ở các đền, chùa… Vì Voi trong Phong Thủy là loài vật trấn trạch rất linh thiêng
Voi phong thuy
Tượng voi thường được gặp ở các đền, chùa… Vì Voi trong Phong Thủy là loài vật trấn trạch rất linh thiêng

 

Với Voi đồng hoặc đá thì tác dụng chính của nó là Hút Tài Lộc, nhất là nhà mà mở cửa, cửa sổ nhìn thấy ao, hồ, sông, biển thì càng có hiệu quả cao.

Với Voi bằng gồm sứ, thường được dùng để hóa giải các cấu trúc nặng nề như dầm nhà , xà nhà đè xuống.

Thủy là biểu tượng của tiền của, nếu đặt một con voi đồng hoặc đá cỡ vừa trong nhà với dụng ý “hút Thủy” thì đại tài, tiểu tài sẽ đến, trong nhà luôn có điềm lành. Còn nếu đặt ở nơi có tài vị thịnh, thì cả nhà được lộc cát lâu bền.

 

VẬT PHẨM BIỂU TRƯNG CHO SỰ BẤT TỬ

Đối với người Trung Quốc, ve sầu và rùa là hai biểu tượng mạnh mẽ nhất cho sự trường tồn  vĩnh cửu. Với người còn sống, hai con vật này mang đến cho họ một cuộc sống tốt đẹp. Con rùa không đơn thuần là biểu tượng của tuổi thọ, mà còn là biểu tượng của sự bảo vệ, che chở. Còn ve sầu cũng được coi như một lá bùa hộ mệnh, chống lại kẻ thù.

9. Ve sầu – Biểu tượng của sự bất tử và lá bùa chống lại những âm mưu

Thời xa xưa, những gia đình giàu có thường táng theo người chết một viên ngọc bích chạm khắc hình con ve sầu, đặt trên nắp áo quan, mong cho người đã khuất có được một cuộc sống tốt đẹp ở thế giới khác.

Đối với người đang sống, ve sầu được xem là một biểu tượng của cuộc sống lâu dài, hạnh phúc và tuổi trẻ bất diệt.

Căn nguyên của biểu tượng này được bắt nguồn từ truyền thuyết xưa kia. Tương truyền rằng: Có một nữ hoàng làm rất nhiều việc tốt cho dân, khi qua đời đã đầu thai thành con ve sầu. Khi đã trở thành ve sầu, bà không bao giờ già vì luôn lột xác sau mỗi mùa hè. Vì thế, loài ve sầu đã trở thành một biểu tượng cho sự trẻ trung của con người.

Ve sầu – tượng trưng cho sự trẻ mãi không già, rất phù hợp khi biếu sếp nữ
Ve sầu – tượng trưng cho sự trẻ mãi không già, rất phù hợp khi biếu sếp nữ

Bên cạnh ý nghĩa đó, loài ve sầu còn được coi như một một lá bùa hộ mệnh. Khi đeo trên mình một vật có dáng ve sầu, bạn sẽ được bảo vệ khỏi những nguy hiểm, tiểu nhân và kẻ thù.

Một miếng ngọc bích hình con ve sầu có tác dụng bảo vệ tốt. Những nhân viên trong công ty muốn tìm kiếm sự bảo vệ trước một đồng nghiệp không đáng tin cậy hay người quản lý có mưu đồ xấu có thể tìm một miếng ngọc bích hình con ve sầu như mặt dây chuyền để đeo.

10. Rùa – Biểu tượng muôn đời của sự trường thọ

Rùa được các nhà khoa học chứng minh là một trong số những loài vật có tuổi thọ thuộc hàng cao nhất. Trong văn hóa Việt Nam, rùa là một linh vật được tôn trọng từ ngàn xưa. Còn riêng trong Phong Thủy, rùa là linh vật mang nhiều ý nghĩa nhất.

Nó là tạo vật duy nhất trong tứ linh thật sự tồn tại và có thể dễ dàng tìm thấy. Vì vậy, rùa không đơn thuần là biểu tượng của tuổi thọ, mà còn của sự bảo vệ, che chở, hỗ trợ, sự sang trọng và triển vọng.

Trong thuật Phong Thủy, con rùa giống như những ngọn đồi phương Bắc vững chãi, đảm bảo cho gia đình có sự liên kết chặt chẽ, lâu bền. Con rùa còn được cho là người vận chuyển ma trận huyền ảo của chín con số cơ bản mang trên lưng và gây sự chú ý cho Phục Hy – vị hoàng đế đầu tiên trong truyền thuyết của Trung Hoa, người được cho là tác giả của Kinh Dịch, cuốn sách là cơ sở của tất cả lý thuyết trong Phong Thủy.

 

Rùa đầu rồng (long quy) – Biểu tượng của vận may và trường thọ
Rùa đầu rồng (long quy) – Biểu tượng của vận may và trường thọ

Con rùa giấu trong cơ thể và trong những hoa văn trên mai nó tất cả bí mật của trời và đất. Tục truyền rằng khi Ban Cố tạo ra thế giới, ông đã dùng những chú rùa như những chiếc cột chống để giữ vạn vật. Phần gù ở lưng con rùa được coi là trời và phần bụng của chúng là đất, khiến nó trở nên bền vững với thời gian.

Nếu nhìn kỹ con rùa, bạn sẽ nhận thấy nó có một chiếc đầu rắn và một chiếc cổ rất dài. Các Phong Thủy gia thường hay trưng trong nhà con rùa đầu rồng để có thật nhiều vận may. Hình tượng con rùa đầu rồng này thường được cho ngồi trên rất nhiều đồng xu và những thỏi vàng, miệng có ngậm một đồng xu. Tạo vật này vừa mang hiện thân cho sự can đảm của loài rồng và sự bảo vệ chắc chắn của loài rùa. Các doanh nhân trưng hình ảnh này phía sau chỗ làm việc thì sẽ can đảm hơn trong việc ra quyết định đồng thời trách được những rủi ro trong kinh doanh. Nên nuôi rùa ở hướng Bắc ngôi nhà vì chúng sẽ đem tới cho gia đình nhiều cát khí hơn.

 

TIỀN XU PHONG THỦY – TÀI LỘC THỊNH VƯỢNG

Tiền xu cổ luôn là một pháp khí sử dụng rất nhiều trong Phong Thuỷ. Tiền, ngoài ý nghĩa về sự thịnh vượng và tài lộc, còn mang ý nghĩa tốt lành, hoá giải những tai hoạ và các sát tinh chiếu đến trong bài trí Phong Thuỷ. Vì thế phép trấn yểm không thể thiếu tiền xu Phong Thủy.

Người xưa cho rằng tiền xu dùng trong yểm Phong Thuỷ nếu là tiền cổ thì tốt nhất, vì tiền cổ được chế tạo đã nhiều năm nên hấp thu được “thiên khí”. Đồng thời do phần lớn các đồng tiền cổ được chôn vùi dưới đất nên đã hấp thu được “địa khí”. Ngoài ra, nó đã được qua tay nhiều người sử dụng nên đã hấp thu được “nhân khí” rất nhiều. Ba khí Thiên Địa Nhân đều có đủ, nên các đồng tiền cổ có thể tăng việc hoá sát rất mạnh.

1. Mai Hoa kim tiền

Ý nghĩa: Tiền mai hoa thường treo thành đôi, 2 bông 10 cánh, tượng trưng cho thập toàn (sự hoàn hảo). Vật khí này được dùng để trấn yểm hung khí, đem lại sự thịnh vượng về tài lộc, kinh doanh. Ngoài ra, nó còn có công dụng rất phổ biến là giải trừ tiểu nhân, tránh thị phi.

Tiển

 

Cách bài trí:

•Đặt ở chỗ tựa sau lưng của ghế ngồi, phòng tiểu nhân

•Đặt trong ngăn kéo bàn làm việc có giấy tờ quan trọng.

2. Tam xu tiền cổ

Ý nghĩa:

Số 3 tượng trưng cho Thiên – Địa – Nhân, là biểu tượng cho sự thịnh vượng cát lành.

coin-bell

Cách bài trí:

Để thu hút sự thành công của các dự án trong kinh doanh bạn hảy cung cấp năng lượng tốt cho các hồ sơ có liên quan bằng cách buộc 3 đồng tiền xu cổ với dây màu đỏ rồi dán vào bìa hồ sơ (bằng băng dính trong), hướng mặt dương (có chữ) lên trên. Điều này có thể sẽ tạo ra năng lượng thịnh vượng và mang lại sự thành công trong công việc của bạn.

3. Lục đế tiền cổ

Ý nghĩa:

Lục đế tiền là sáu đồng tiền cổ của 6 vị Hoàng đế cường thịnh nhất triều đại nhà Thanh đó là: Thuận Trị, Khang Hy, Ung Chính, CÀn Long, Gia Khánh và Đạo Quang. Theo Phong thuỷ thì các đồng tiền của các thời đại cường thịnh thì khí trường của nó rất mạnh, vì thế nó sẽ tăng cường tài vận rất tốt.

 

Cách bài trí:

Xâu thành chùm với dây màu đỏ và treo ở các phương vị tài lộc.

4. Bát xu tiền cổ

Ý nghĩa:

Số 8 tượng trưng cho sao Bát Bạch rất vượng khí,có tác dụng phát huy Thổ khí trong Vận Tám (từ năm 2004 đến 2023) tức là sự thịnh vượng và phát triển, hoạnh phát về tài lộc.

 

Bát tiền xu
Bát tiền xu

 

Cách bài trí:

Xâu 8 đồng tiền xu cổ bằng chỉ màu đỏ treo bên trong cửa,tượng trưng cho tài lộc đã vào trong văn phòng của bạn.

5. Xu bát quái

Ý nghĩa:

Trong Phong Thuỷ thì đồng xu in hình Bát Quái là biểu tượng của sự giàu có, phát về tài lộc nhất là khi được kết bằng chỉ lụa đỏ. Đồng xu thường dùng là đồng tiền thời vua Càn Long có hai mặt Âm Dương thể hiện nguyên lý Âm Dương hài hoà. Tiền hình tròn tượng trưng cho Thiên, ở giữa có lỗ vuông tượng trưng cho Địa. Trên đồng tiền có in hình Bát Quái thể hiện Đạo lý Thiên – Địa – Nhân tương hợp tất tạo phúc và hưởng phú quý.

 

Xu bát quái
Xu bát quái

 

Cách bài trí:

Treo ở cửa nhà, cửa phòng, trong phòng khách, phòng ngủ hoặc trên xe ô tô.

Theo VZone

 

 

 

 

 

 

 

Ngày đẹp để xuất hành, mở hàng, đi lễ đầu xuân

Tết năm nay ngày tốt để khai trương, mở hàng, ký kết đầu năm là mùng 1 (10/2), mùng 4 (13/2), mùng 5 (14/2), mùng 6 (15/2), mùng 8 (17/2), mùng 9 (18/2), mùng 10 (19/2).

Năm rắn 2013
Năm rắn 2013

Đầu xuân mọi người thường có xu hướng chọn ngày tốt, giờ tốt để làm những việc trọng đại, với mong muốn “đầu xuôi đuôi lọt”.

Có nhiều phương pháp chọn ngày khác nhau, từ đó mà cách lựa chọn ngày giờ cũng sẽ khác. Những ngày giới thiệu dưới đây được xây dựng trên nền tảng và phương pháp tính lịch của “Hiệp kỷ biện phương thư” – cuốn sách lịch được hoàng đế Càn Long công nhận, đã đối chiếu với ngày giờ và tiết khí của lịch Việt Nam.

 

Mùng 1 Tết (10/2, chủ nhật, Đinh Mùi): 

Có thể xuất hành, mở hàng, đi lễ. Xuất hành chọn hướng  Đông.

Mùng 2 Tết (11/2, thứ 2, Mậu Thân): 

Không lợi xuất hành, mở hàng. Có thể đi lễ. Nếu cần xuất hành chọn hướng Bắc (Tài thần).

Mùng 3 Tết (12/2, thứ 3, Kỷ Dậu): 

Không lợi xuất hành, mở hàng. Có thể đi lễ. Nếu cần xuất hành chọn hướng Nam (Tài thần).

Mùng 4 Tết (13/2, thứ tư, Canh Tuất): 

Không lợi xuất hành. Có thể mở hàng, đi lễ. Nếu cần xuất hành chọn hướng Tây Nam (Tài thần).

Mùng 5 Tết (14/2, thứ 5, Tân Hợi): 

Có thể xuất hành, mở hàng, đi lễ. Xuất hành chọn hướng Tây Nam (Tài thần).

Mùng 6 Tết (15/2, thứ 6, Nhâm Tý): 

Có thể xuất hành, mở hàng, đi lễ. Xuất hành chọn hướng Tây.

Mùng 7 Tết (16/2, thứ 7, Quý Sửu): 

Không lợi xuất hành, mở hàng. Có thể đi lễ. Nếu cần xuất hành chọn hướng Tây (Tài thần).

Mùng 8 Tết (17/2, chủ nhật, Giáp Dần):

Không lợi xuất hành, đi lễ. Có thể mở hàng. Nếu cần xuất hành chọn hướng Đông Nam (Tài thần).

Mùng 9 Tết (18/2, thứ 2, ất Mão): 

Có thể xuất hành, mở hàng, đi lễ. Xuất hành chọn hướng Đông Nam (Tài thần).

Mùng 10 Tết (19/2, thứ 3, Bính Thìn): 

Có thể xuất hành, mở hàng, đi lễ. Xuất hành chọn hướng Đông.

Qua liệt kê ở trên có thể thấy:

Ngày tốt cho xuất hành, gặp mặt đầu năm: mùng 1 (10/2), mùng 5 (14/2), mùng 6 (15/2), mùng 9 (18/2), mùng 10 (19/2).

Ngày tốt cho mở hàng, giao dịch ký kết đầu năm: Mùng 1 (10/2), mùng 4 (13/2), mùng 5 (14/2), mùng 6 (15/2), mùng 8 (17/2), mùng 9 (18/2), mùng 10 (19/2). Ngày tốt mở hàng nhiều, báo hiệu sự khởi sắc của nền kinh tế, tuy chưa rõ rệt.

Ngày tốt cho cúng tế, đi lễ đầu năm: Mùng 1 (10/2), mùng 2 (11/2), mùng 3 (12/2), mùng 4 (13/2), mùng 5 (14/2), mùng 6 (15/2), mùng 7 (16/2), mùng 9 (18/2), mùng 10 (19/2).

ThS Nguyễn Mạnh Linh
Ban Phong thủy – Viện Phong thủy Thế giới
Ban Phong thủy – Viện Tiềm năng con người

Vận hạn 12 con giáp năm 2013 tiếp theo

Vận hạn người tuổi Ngọ (sinh 2002, 1990, 1978, 1966, 1954)

Người tuổi Ngọ năm 2013 là năm kiếp tài, trong công việc gặp nhiều đối thủ cạnh tranh, con đường thăng tiến trắc trở. Trong kinh doanh, vốn bỏ ra nhiều mà lãi thu về ít. Giao kết bè bạn cần chú ý, không vì thấy người ta có nghĩa khí mà cho vay khoản tiền lớn, vì sẽ khó đòi được, lại tổn thương tình cảm bè bạn anh em. Tuổi Ngọ năm 2013 làm việc cần theo sức mình, cần dựa vào nỗ lực của bản thân, tiết kiệm chi phí. Tóm lại, công việc và tài vận ở mức trung bình, đeo phật bản mệnh Đại thế chí sẽ giúp chuyển biến tốt hơn.

Về tài chính: niên vận về tài chính không tốt. Tuy thu nhập kém đi, nhưng không ảnh hưởng đến gia đạo, vì năm nay có nhiều thời gian hơn cho gia đình. Trong công việc có áp lực lớn, trách nhiệm nặng nề hơn, nên đây cũng là thời cơ tốt để tôi luyện bản lĩnh. Chi phí sẽ nhiều, cẩn thận thêm có người lừa gạt. Do đó khi đàm phán hay ký kết cần tham khảo thêm ý kiến chuyên gia liên quan. Dù không thu được lợi, cũng không bị rủi ro.

Về tình yêu hôn nhân: vận tình cảm không tốt. Ban đầu nồng thắm về sau lạnh lùng. Với nam giới tuổi Ngọ, có thể do tính cách mạnh mẽ của mình mà gây ra mâu thuẫn cho người vợ, thậm chí dẫn đến chia tay. Với phụ nữ tuổi Ngọ, người thứ ba cũng dễ dàng xâm phạm. Với nam nữ chưa kết hôn, không nên đầu tư quá nóng vội, bình tĩnh là cách làm tốt nhất. Sử dụng một số linh khí tăng cường tình cảm là việc nên làm.

Về sức khỏe: là năm nhiều chuyện không yên, đề phòng cảm mạo, bệnh phổi, viêm khí quản. Do lo lắng, nôn nóng nhiều mà cơ thể không kịp thích nghi, dễ dẫn đến hoảng hốt, rối bời. Chú ý thêm về tâm sinh lý bản thân, giữ gìn sức khỏe, không tự ý uống thuốc. Đeo ngọc phong thủy như ngọc Hải lam, thạch anh mắt hổ, thạch anh vàng sẽ hỗ trợ rất nhiều.

Về hóa giải: dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và bản thân. Nên thường xuyên cùng con cái đi xa hay du lịch, hít thở bầu không khí mới, tăng cường tri thức.

Chỉ số 7 ngôi sao:

Phúc:

Lộc:

Thọ:

Tình:

Tài:

Duyên:

Tinh:

******* (Hung)* (Hung)

********* (Hung)

**** (Cát)

* (Cát)

**** (Hung)

*** (Cát)

Vận hạn người tuổi Mùi (sinh 2003, 1991, 1979, 1967, 1955)

Người tuổi Mùi năm 2013 khá bình ổn, được tương sinh, sự nghiệp phát triển khá lạc quan. Người tuổi Mùi năm nay nên tập trung nhiều hơn cho sự nghiệp cũng như kinh doanh, đặt mục tiêu cao hơn cho mình, kiên trì không rời, chắc chắn sẽ thành công. Trong công việc được đồng nghiệp và cấp trên công nhận, người cần thi cử hoặc thăng chức cũng có cơ hội tốt hơn. Nhưng do có ảnh hưởng của sao tang môn nên gia đình cũng là một gánh nặng trên con đường phát triển của bạn. Kịp thời đeo phật bản mệnh Như lai đại nhật sẽ giúp chuyển biến tốt hơn.

Về tài chính: trong công việc được cấp trên cất nhắc. Tài chính chi nhiều thu ít, cần chịu khó tích lũy. Kiếm tiền nên tuần tự tiệm tiến, không được nôn nóng. Khi cơ thể vẫn chưa khỏe mạnh, cần ăn uống và vận động cần vừa phải.

Về tình yêu hôn nhân: tình yêu có thể bí mật nảy sinh ngay trong công việc và bạn sẽ thấy tình yêu hấp dẫn như một cuốn tiểu thuyết vậy. Trong gia đình có thể có tranh cãi, nhưng không ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Về sức khỏe: cơ thể hơi lao lực, nên năng đi dạo, hít thở khí trời, lấy thêm năng lượng từ thiên nhiên. Thư giãn cho tâm hồn, ăn uống điều độ kết hợp kiểm tra sức khỏe định kỳ. Người hay ngồi lâu một chỗ dễ bị táo bón, trĩ. Đeo đá ô liu, thạch anh trắng sẽ hỗ trợ ít nhiều.

Về hóa giải: thỉnh thoảng bị tê buốt tay hay sự cố ngoài ý muốn, nhưng cũng có thể nhờ người trên giúp. Vận bạn bè tuy không tốt nhưng không nên quá cố chấp với ý kiến của mình, vì có thể làm vấn đề thêm phức tạp. Sử dụng linh khí như long quy, thất tinh trận sẽ giúp mọi chuyện thuận lợi hơn.

Chỉ số 7 ngôi sao:

Phúc:

Lộc:

Thọ:

Tình:

Tài:

Duyên:

Tinh:

********* (Hung)*** (Cát)

**** (Hung)

**** (Hung)

**** (Cát)

***** (Cát)

***** (Cát)

Vận hạn người tuổi Thân (sinh 2004, 1992, 1980, 1968, 1956)

Người tuổi Thân năm 2013 có sao thất sát, không những có cạnh tranh trong công việc, bản thân mệt mỏi, đến những việc vặt trong gia đình cũng gây áp lực cho bạn. Nhưng trong cuộc sống nhân sinh, “tái ông thất mã”, trong cái rủi có cái may, năm mới cũng có nhiều cơ hội mới, được trọng dụng, nên mạnh dạn gánh vác trách nhiệm, biết khó không được lùi. Do bị tương hại, lại gặp thái tuế, nên bạn sẽ thấy nhiều khó khăn, cần chú ý đến các mối quan hệ. Người trông có vẻ giúp bạn, hỗ trợ bạn chưa chắc đã là quý nhân năm 2013 đâu, cẩn thận mắc bẫy tiểu nhân. Nên học cách nhìn nhận con người. Kịp thời đeo phật bản mệnh Như lai đại nhật sẽ giúp chuyển biến tốt hơn.

Về tài chính: là năm tốt xấu lẫn lộn, tài chính có tổn thất, tâm tư cũng không thoải mái, có thể rất bận rộn. Trong công việc có người giúp, cần nắm vững thời cơ để phát triển sự nghiệp. Dù là tự kinh doanh, hay làm việc cho công ty, khi ký kết giao dịch cần để ý kỹ các điều khoản, tránh mắc bẫy. Người Thân năm 2013, cần tránh cho người thân quen mượn tiền hay giấy tờ, nếu không sẽ tổn thất tài chính hoặc mắc vào kiện tụng lao tù.

Về tình yêu hôn nhân: tình cảm tiến triển tốt, dễ mắc đào hoa. Người chưa kết hôn nên để ý đến người mới xuất hiện, nhưng không nên tấn công nhanh hoặc vội và đi đến hôn nhân; cũng có thể có rạn nứt dẫn đến chia tay, làm mất đi việc lớn đời người, cần kiên nhẫn giải quyết. Với người đã kết hôn, nếu có người tuổi Tỵ, nên tạm thời xa cách để giữ gìn tình cảm, nếu không cần đề phòng sự xuất hiện của người thứ 3, ảnh hưởng đến mái ấm gia đình. Đeo ngọc phong thủy như đậu tình yêu, thạch anh tóc sẽ hỗ trợ mọi chuyện tốt hơn.

Về sức khỏe: thay đổi thất thường, đề phòng bệnh tật. Cơ thể lúc khỏe lúc yếu, cần chú ý đến sức khỏe tâm lý và tinh thần. Cảm giác cô đơn dễ dẫn đến mất ngủ, lo lắng, ăn uống không ngon. Nên kịp thời kiểm tra sức khỏe.

Về hóa giải: có nhiều khó khăn, nhất là về mặt luật pháp, cần hết sức thận trọng. Những chuyện buồn rồi sẽ qua đi, sớm kết thúc mọi ân oán, bắt đầu cuộc sống mới. Đeo ngọc phong thủy như đậu như ý, phù bình an sẽ hỗ trợ rất tốt.

Chỉ số 7 ngôi sao:

Phúc:

Lộc:

Thọ:

Tình:

Tài:

Duyên:

Tinh:

*** (Hung)********** (Cát)

* (Cát)

*** (Cát)

***** (Hung)

* (Hung)

*** (Hung)

Vận hạn người tuổi Dậu (sinh 1993, 1981, 1969, 1957)

Người tuổi Dậu năm 2013 được cấp trên coi trọng, nên nắm lấy thời cơ. Tài chính có chuyển biến tốt, có thu hoạch bất ngờ, nhưng cũng cần tiết kiệm chi tiêu, tránh quá đà. Quan hệ xã giao tốt, hỗ trợ cho thành công. Về cơ bản đây là năm tốt của người tuổi Dậu, đeo phật bản mệnh Bất động minh vương sẽ giúp chuyển biến tốt hơn.

Về tài chính: có cơ hội thăng chức, có nhiều tin vui, tiền tài tăng, có thể lấy bớt để đầu tư cho con cái, sẽ có tin tốt lành. Tài vận tăng ổn định, thu nhập tăng, nhưng cũng có khoản chi bất ngờ, cần thận trọng vì có thể rơi vào túng quẫn.

Về tình yêu hôn nhân: tình cảm không bình thường, người đã kết hôn có những tranh cãi nhỏ nhưng tình cảm vợ chồng vẫn hài hòa, không ảnh hưởng lớn. Người chưa kết hôn nên thận trọng, tránh ảnh hưởng tình cảm bạn bè, để không dẫn đến phiền phức; nếu có đối tượng thân thiết, cần chuyên tâm hơn, lưỡng lự sẽ hỏng việc.

Về sức khỏe: bệnh tật năm cũ có cải thiện, thân tâm mạnh khỏe, gia đình có tin vui, như đón thành viên mới hoặc người đi xa trở về. Chú ý đến bệnh liên quan đến hệ thống hô hấp.

Về hóa giải: không nên đi xa một mình, nên chọn bạn đi cùng. Có thể đi du lịch cùng gia đình, nhưng chú ý đến an toàn. Đeo thạch anh linh sẽ hỗ trợ rất nhiều.

Chỉ số 7 ngôi sao:

Phúc:

Lộc:

Thọ:

Tình:

Tài:

Duyên:

Tinh:

******** (Hung)** (Cát)

********** (Hung)

******* (Cát)

* (Hung)

* (Cát)

**** (Cát)

Vận hạn người tuổi Tuất (sinh 1994, 1982, 1970, 1958)

Người tuổi Tuất năm 2013 về cơ bản là bình ổn, có lợi về học hành, nghiên cứu, thiết kế, nếu chú tâm hơn sẽ dễ có thu hoạch. Nam giới tuổi Tuất có nhiều thăng trầm, buồn vui lẫn lộn, sự tự tin cũng dễ bị mọi người hiểu nhầm, hoặc bị ép làm việc mình không muốn, nhất là dễ phạm đào hoa hoặc tửu sắc, cũng như kiện tụng, tù ngục. Kịp thời đeo phật bản mệnh A di đà sẽ giúp chuyển biến tốt hơn.

Về tài chính: sự nghiệp có đột phá, được tăng lương tăng thưởng, nhưng cũng có thể có tiếng mà không có miếng, ngồi không nhàn hạ. Cần tăng cường các mối quan hệ, nhất là với đồng nghiệp, tránh thị phi, cũng như tiểu nhân phá rối. Vận tài chính không hẳn vượng, một số ngành như quảng cáo, truyền thông, điện tử, viễn thông, công nghệ cũng có thu hoạch, các nghề khác không thu được nhiều, “chiêu tài” cũng lắm gian nan. Nên thực thi tiết kiệm. Đeo ngọc phong thủy như tỳ hưu biển thước, thạch anh tím sẽ hỗ trợ ít nhiều.

Về tình yêu hôn nhân: gia đạo bất an, thường quá chú trọng đến sở thích bản thân mà quên đi sự cảm nhận của đối phương, cần cẩn thận xử lý, tránh để bất hòa vợ chồng. Người chưa kết hôn cũng có thay đổi. Nam giới tuổi Tuất không nên tiết kiệm trong chi tiêu cho bạn gái, chịu khó thường xuyên mua những món quà nhỏ sẽ mang lại cảm nhận tốt hơn. Bạn gái tuổi Tuất dễ có cảm giác cô đơn, thường không muốn tiếp cận đối phương, nên đeo ngọc phong thủy để hỗ trợ.

Về sức khỏe: năng vận động, tập thể thao. Chú ý bệnh tật về hệ thống hô hấp, dễ có cảm mạo, đau họng, nhiệt miệng,… Nên ăn nhiều rau có hàm lượng chất xơ và vitamin phong phú. Nghỉ ngơi hợp lý.

Về hóa giải: dễ vướng vào xung đột, không nên quảng giao bè bạn; chú ý khi phải lưu giữ những giấy tờ quan trọng; không nên tham rẻ mà chịu thiệt.

Chỉ số 7 ngôi sao:

Phúc:

Lộc:

Thọ:

Tình:

Tài:

Duyên:

Tinh:

** (Cát)**** (Cát)

********** (Hung)

* (Cát)

******* (Hung)

*** (Cát)

****** (Cát)

Vận hạn người tuổi Hợi (sinh 1995, 1983, 1971, 1959)

Người tuổi Hợi năm 2013 gặp thái tuế, gặp nhiều việc khó khăn, có thể chuyển nhà hoặc chuyển công việc. Đề phòng sự cố bất ngờ cũng như tổn thất về tài chính cũng như trong công việc. Kịp thời đeo phật bản mệnh A di đà sẽ giúp chuyển biến tốt hơn.

Về tài chính: là năm khó khăn của người tuổi Hợi, khó đòi lại tiền đã mất, tuy có vẻ gặp các cơ hội đầu tư tốt, nhưng dễ mất giữa chừng, do đó không nên đầu tư lớn. Công việc vẫn cần cố gắng hơn, mạnh dạn và chủ động, nhưng tránh phạm tới cấp trên bởi dễ mất chức. Rất nhiều người tuổi Hợi có xung động về thay đổi việc làm, nhưng cần xem xét kỹ các nơi sắp chuyển đến, xem có thích hợp không, để tránh càng chuyển việc càng tồi tệ hơn.

Về tình yêu hôn nhân: nam giới chưa kết hôn cần nỗ lực hơn trong tình yêu, nhưng thường không được như ý muốn; nữ giới cần giữ ở khoảng cách nhất định, để tránh mất cái ngàn vàng. Người đã lập gia đình hoặc sắp đi đến hôn nhân dễ có hiểu lầm, với điềm báo bất hòa, cần bình tĩnh trước các vấn đề nảy sinh, chân thành đối xử với nhau, tránh chuyện bé xé ra to.

Về sức khỏe: ăn uống năm nay nhiều, tinh thần phấn chấn, nhưng đề phòng tổn thương bất ngờ như vấp ngã. Khi thấy cơ thể khó ở, có gì khác thường cần kịp thời khám chữa tránh để đến lúc phải phẫu thuật. Nên tập thể thao trong phòng là chính.

Về hóa giải: có thể gặp khó khăn, nên kiên nhẫn hơn trong các công việc gia đình. Đi đường cần thận trọng, tránh va quệt hay vấp ngã. Nên đọc nhiều sách để tăng cường tri thức mới. Đeo ngọc phong thủy như thạch anh vàng, thạch anh tóc sẽ tốt hơn cho bạn.

Chỉ số 7 ngôi sao:

Phúc:

Lộc:

Thọ:

Tình:

Tài:

Duyên:

Tinh:

**** (Hung)********** (Cát)

*** (Hung)

** (Cát)

** (Hung)

******* (Hung)

** (Hung)

Trên đây chỉ là chỉ dẫn chung cho 12 con giáp, giúp bạn có cái nhìn tổng quan về vận hạn năm 2013 để kịp thời có hướng xử lý tốt hơn, cả về tình cảm, công việc cũng như sức khỏe.

ThS Nguyễn Mạnh Linh
Ban Phong thủy – Viện Phong thủy Thế giới
Ban Phong thủy – Viện Tiềm năng con người

Vận hạn của bạn trong năm Quý Tỵ

Người xưa cho rằng mỗi năm vận hạn của con người mỗi khác. Trong năm 2013 này vận hạn của bạn sẽ ra sao?

 

12 con giáp  Quý Tỵ 2013
12 con giáp Quý Tỵ 2013

Dưới đây là vận hạn của 12 con giáp trong năm Quý Tỵ tính theo lịch tiết khí, bắt đầu từ ngày Lập Xuân, tức 3/2 dương lịch.

Vận hạn người tuổi Tý (sinh 2008, 1996, 1984, 1972, 1960)

Người tuổi Tý năm 2012 có vận thế tốt, sang đến năm 2013 vẫn tiếp tục phát triển, thậm chí còn có lợi về mặt tài chính như tăng lương thưởng. Người kinh doanh còn có nhiều lợi ích hơn, thu nhập ổn định, tích lũy tăng. Một năm bắt đầu từ mùa xuân, người tuổi Tý cần tranh thủ cơ hội ngay đầu năm, xây dựng sự nghiệp. Vận thế nửa cuối năm có phần đi xuống. Phụ nữ tuổi Tý năm nay phạm phải Nguyên thần, cần đề phòng tai nạn, khẩu thiệt thị phi. Đeo phật bản mệnh Quan âm nghìn tay sẽ giúp hóa giải ít nhiều.

Về tài chính: vận thế tốt, cung tài lộc vượng, cần lên kế hoạch quản lý tài chính, không được đầu tư mạo hiểm, để tránh tổn thất không cần thiết.

Về tình yêu hôn nhân: vận tình cảm không tốt, cần chú ý những chuyện quan trọng, xử lý chuyện tình cảm và các vấn đề trong gia đình một cách thận trọng. Với những người chưa “an cư”, cần cố gắng tiết kiệm và nỗ lực kiếm tiền để mua nhà cửa. Do đó năm nay chuyện tình cảm không thể nóng lòng được, dục tốc bất đạt. Nếu đặt thất tình trận tình yêu, vận thế tình cảm sẽ cải thiện hơn.

Về sức khỏe: cơ thể tốt, nhưng cần vận động nhiều hơn, hoặc đi du lịch xa. Với người phải làm việc nơi công sở hoặc lâu ngày không di chuyển, nên thay đổi phương thức làm việc, nếu không lâu ngày sẽ dẫn đến tật bệnh.

Về hóa giải: chú ý bệnh tim và đường hô hấp, hạn chế lạm dụng thuốc, nên giao lưu nhiều với bè bạn, hàng xóm. Đeo ngọc phong thủy như đá ô liu, thạch anh linh sẽ hỗ trợ tăng cường sức khỏe.

Chỉ số 7 ngôi sao:

Phúc:

Lộc:

Thọ:

Tình:

Tài:

Duyên:

Tinh:

***** (Hung)* (Cát)****** (Hung)***** (Cát)

****** (Hung)

**** (Cát)

* (Cát)

 

Vận hạn người tuổi Sửu (sinh 2009, 1997, 1985, 1973, 1961)

Người tuổi Sửu năm 2013 được sinh, cả tài vận, sự nghiệp lẫn tình cảm đều thuận lợi. Năm nay có quý nhân giúp đỡ, sự nghiệp tiến triển, tiền tài tăng. Sóng gió trong năm cũng nhiều, về tình cảm hôn nhân cần chú ý kết nối, chia sẻ nhiều hơn với gia đình, không được bỏ qua tình cảm với người thân trong gia đình. Năm nay cũng phạm tiểu nhân quấy rối, dễ bị tổn thất, nên đeo phật bản mệnh Hư Không tạng để hóa giải bớt, cũng như đặt long quy, thất tinh trận.

Về tài chính: sự nghiệp phát triển, tài vận cũng tốt. Cuộc sống nên trải nghiệm nhiều hơn, làm việc thận trọng, xử lý vấn đề tài chính cần có kế hoạch cụ thể. Sự nghiệp có thành tích tốt, được cấp trên trọng dụng. Cần cẩn thận đồng nghiệp chơi xấu sau lưng. Người làm kinh doanh có thể thử các dự án đầu tư, mở công ty,… Sử dụng ngọc phong thủy hợp lý có thể hỗ trợ cho sự nghiệp như tỳ hưu, hình cát tường,…

Về tình yêu hôn nhân: vận trung bình trở lên, có chuyện hỷ, nửa đầu năm có chuyện đào hoa, nhưng cũng cẩn thận liên quan đến phá tài. Sau tháng 8 có thể nghĩ đến chuyện hôn nhân. Cần chú ý hơn đến giao tiếp ứng xử trong gia đình. Tình cảm vợ chồng dễ bị người thứ ba làm cho ảnh hưởng, có vấn đề nên năng trao đổi nói chuyện với nhau, thổ lộ tâm tư, tìm ra ngọn nguồn vấn đề, từ đó giải quyết êm thấm, không để ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Gia đình hòa thuận vạn sự hưng, do đó cần chú ý quan tâm đến tình cảm của nhau.

Về sức khỏe: sức khỏe tốt, bình an. Chú ý bệnh tật phần chân, tránh làm việc quá sức, vận động đứng lên ngồi xuống cần thận trọng. Cũng dễ bị cảm mạo, hạn chế rượu bia, tránh uống nhiều rượu.

Về hóa giải: chú ý đến ăn uống của người cao tuổi, bản thân mình cũng cần chú ý an toàn; không chơi các trò chơi mạo hiểm, tránh quảng giao rộng trong năm nay vì có thể gặp người xấu; năng chuyện trò với bố mẹ. Đeo ngọc phong thủy như mã não đỏ, thạch anh vàng sẽ có hỗ trợ tốt cho sức khỏe.

Chỉ số 7 ngôi sao:

Phúc:

Lộc:

Thọ:

Tình:

Tài:

Duyên:

Tinh:

****** (Hung)********* (Cát)***** (Hung)* (Hung)

*** (Cát)

***** (Hung)

** (Cát)

Vận hạn người tuổi Dần (sinh 2010, 1998, 1986, 1974, 1962)

Người tuổi Dần năm 2013 có văn tinh chiếu, có nhiều chuyện vui, tinh thần phấn chấn, có chức vị, hoặc lên cao hơn. Nhưng 2013 bị hình hại, lại phạm thái tuế, nên cũng có sóng gió, dễ bị tai nạn, tổn thương liên quan đến kim loại, hoặc khẩu thiệt thị phi, kiện tụng. Trong năm lại gặp vong thần, bản thân hay sơ suất dẫn đến tổn thất về tài chính, cũng như sự nghiệp. Kịp thời đeo phật bản mệnh Hư Không tạng, hay sử dụng sản phẩm hóa giải thái tuế như linh phù, bút thái tuế cũng hóa giải ít nhiều.

Về tài chính: cảm giác thành tựu được tăng lên, làm việc thận trọng, uy tín tăng, hợp tác trong sự nghiệp có lợi, nỗ lực kinh doanh sẽ có đột phá, nhưng do năm nay phạm thái tuế, trong công việc dễ có tranh chấp, mâu thuẫn khó giải quyết, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tiến triển của công việc. Người tuổi Dần có sao dịch mã, nếu biết tận dụng thời cơ sẽ rất có lợi, nên chủ động cầu tài. Do phạm thái tuế, trong công việc không nên ham muốn phát triển to và rộng, mà cần tìm sự ổn định, kinh doanh thành tín trung thực, mới có nhiều lợi ích. Nếu đầu cơ, sẽ đối mặt với nhiều rủi ro.

Về tình yêu hôn nhân: có sao thiên hỷ, người chưa kết hôn sẽ có tin vui về hôn nhân, nên nắm chắc cơ hội của mình. Nhưng trong tình cảm cũng có tổn thương, có tiển triển, nhưng kỵ kích hoạt đào hoa. Tình cảm của người tuổi Dần có lên xuống thất thường, vợ chồng dễ có mâu thuẫn, tranh cãi, cần biết nhường nhịn lẫn nhau. Sử dụng linh khí như đôi bồ câu thạch anh hồng, đôi uyên ương mạ vàng sẽ hỗ trợ cho hôn nhân.

Về sức khỏe: cơ thể vẫn mạnh khỏe, không nên quá lo lắng với những chuyện vặt trong gia đình để tránh áp lực tinh thần, dẫn đến stress; chú ý bệnh về tim, đường huyết, cũng như hệ thống hô hấp. Nên năng tập thể thao, tránh làm việc quá sức. Cẩn thận tổn thương phần chân.

Về hóa giải: mệnh phạm hình sát, dễ bị tổn thương, không nên chơi các trò chơi mạo hiểm, vì dễ tổn thương chân tay. Nên khám sức khỏe định kỳ, chú trọng kiểm tra dạ dày. Tránh tranh cãi với mọi người. Ngọc phong thủy nên dùng là thạch anh vàng, thạch anh tóc vàng, bích tỷ.

Chỉ số 7 ngôi sao:

Phúc:

Lộc:

Thọ:

Tình:

Tài:

Duyên:

Tinh:

** (Hung)***** (Cát)** (Hung)** (Hung)

** (Cát)

*** (Hung)

****** (Cát)

Vận hạn người tuổi Mão (sinh 2011, 1999, 1987, 1975, 1963)

Người tuổi Mão năm 2013 cần học thích ứng với môi trường mới. Nói cách khác là sự nghiệp và kinh doanh có thay đổi. Sự thay đổi là tốt hay xấu phụ thuộc vào năng lực học tập của bạn. Cần có thái độ mạnh dạn, dũng cảm tiến lên. Là năm của tốt xấu đua tranh, ngoài việc phải nỗ lực gấp bội, cũng cần phải tranh thủ nâng cao học vấn và tri thức mới, nhằm hỗ trợ cho sự nghiệp của mình, cũng như củng cố vị trí, thuận lợi cho con đường đi lên sau này. Năm nay gặp điếu khách, cẩn thận gặp kiện tụng, lao lý, xử lý giấy tờ hết sức thận trọng, cần phân tích xem xét kỹ lưỡng. Kịp thời đeo phật bản mệnh Văn thù bồ tát sẽ giúp hóa giải ít nhiều.

Về tài chính: cơ hội tăng, cuộc sống có thay đổi mới, sự nghiệp cũng như tài vận phát triển. Cần nỗ lực tăng cường khả năng bản thân, học thêm những kỹ năng thực dụng mới có thể trở thành người xuất sắc trong công việc. Có thể mua tài sản, bất động sản nhưng cần theo năng lực của mình. Năm nay cần xử lý tốt quan hệ với cấp trên. Người làm kinh doanh cần biết hợp tác với chính quyền sở tại, như thuế vụ,… tài chính mới có thể tiến triển.

Về tình yêu hôn nhân: đàn ông tuổi Mão, về hôn nhân và gia đạo còn tốt, nhà có tin vui, có thể thêm con cháu; giữ vững đạo làm chồng, tình cảm thận trọng tránh chệch đường, hạn chế giao tiếp trên bàn nhậu, quan tâm hơn tới gia đình và con cái. Với phụ nữ tuổi Mão, có nhiều chuyện chẳng lành như vợ chồng bất hòa. Nam nữ chưa kết hôn, năm 2013 rất thích hợp cho việc tìm kiếm bạn đời, phương thức tỏ tình nên thẳng thắn hơn, nhưng cũng có điềm thay đổi thất thường. Dùng ngọc phong thủy đúng cách cũng sẽ hỗ trợ rất nhiều.

Về sức khỏe: năm nay phòng tổn thương chân tay, cũng như ngộ độc thực phẩm. Cẩn thận dị ứng thuốc, cần sử dụng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nên mua một số thiết bị thể thao để tập luyện.

Về hóa giải: tiêu tiền cần tiết kiệm, nhưng nếu cần mua sách, học kỹ năng mới thì nên hoàn thành tâm nguyện. Đi xa du lịch hay đi chơi, cần tránh các trò chơi mạo hiểm, leo núi,… để tránh tổn thương. Dùng ngọc phong thủy như đá núi lửa, thạch anh khói, sa-phia, đá khổng tước sẽ giúp hỗ trợ tốt cho sức khỏe cũng như công việc.

Chỉ số 7 ngôi sao:

Phúc:

Lộc:

Thọ:

Tình:

Tài:

Duyên:

Tinh:

*** (Cát)****** (Cát)******* (Hung)****** (Cát)

**** (Hung)

** (Cát)

**** (Cát)

Vận hạn người tuổi Thìn (sinh 2012, 2000, 1988, 1976, 1964)

Người tuổi Thìn năm 2013 gặp kiếp sát, vận thế xấu, sự nghiệp có cảm giác khó khăn, nhưng trong học hành, thi cử, chuyển chức… lại có cơ hội tốt. Người kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực văn hóa có thêm tiền tài. Tóm lại, năm nay cũng gặp khó khăn, nhưng cần tìm quý nhân trợ giúp, chỉ cần kiên nhẫn là sẽ giải quyết được. Tâm tư xao động là vấn đề lớn nhất trong năm, không nên làm mọi chuyện phức tạp thêm, cần bình tĩnh để hóa giải những uất kết trong lòng. Kịp thời đeo phật bản mệnh Phổ hiền bồ tát sẽ giúp hóa giải ít nhiều.

Về tài chính: tài vận tiến triển chậm, cầu tài hay công việc cần đến nửa cuối năm mới thuận lợi. Quan hệ xã giao năm nay khá khó khăn, môi trường kinh doanh gặp trở ngại, chú ý giải quyết quan hệ với khách hàng, nếu không sẽ mất khoản nợ lớn. Kinh doanh nhiều khi cũng như vấp phải đá, vốn nghĩ rằng lập được quan hệ kinh doanh với đối tác mới, nhưng cuối cùng lại mất công không. Về nghề nghiệp, nếu có ý định chuyển việc làm thì cũng nên ở lại công ty cũ mới có cơ hội phát triển.

Về tình yêu hôn nhân: năm nay khó tìm được người có tính cách tương hợp, cũng như môi trường sống phù hợp. Đào hoa vận của người phụ nữ tuổi Thìn ở mức độ bình thường, nếu chưa kết hôn thì cũng chẳng có gì tiến triển. Phụ nữ đã lập gia đình, hoặc đã có bạn trai thì hay nghi ngờ lẫn nhau, luôn thấy rằng người kia nghĩ và làm khác mình. Cần tránh những tranh cãi không cần thiết, làm tổn thương tình cảm hai bên, nên dung hòa trên quan điểm “hài hòa điểm giống, bỏ qua điểm khác”, chuyển hóa tâm tư tập trung vào sự nghiệp, mới có thể chung sống với nhau. Năm 2013, người tuổi Thìn dù nam hay nữ đều thấy bạn đời lạnh nhạt với mình, không thể mặn nồng thắm thiết như những gia đình khác, tình cảm có phần nhạt nhẽo, đóng băng, tâm tư rối bời; nhưng cũng không phải lo lắng quá, chỉ cần giảm bớt tranh cãi, không tạo ra ý muốn chia ly là được. Đeo ngọc phong thủy như hồng ngọc, thạch anh hồng, san hô đỏ,… có thể giúp tăng cường tình cảm.

Về sức khỏe: năm nay sức đề kháng ruột, dạ dày giảm sút, cần chú ý vệ sinh khi ăn uống bên ngoài. Tránh các thức ăn nội tạng, như lòng ruột, cũng như các món nướng, vì dễ mắc bệnh truyền nhiễm. Lái xe cần chú ý an toàn, để tránh tổn thương liên quan đến kim loại. Treo túi linh khí bình an trên xe sẽ hỗ trợ tốt hơn cho sức khỏe.

Về hóa giải: có đột phá trong học tập nghiên cứu, cũng như có quan điểm mới, nên mạnh dạn mở rộng các mối quan hệ trên quan điểm đôi bên cũng có lợi, tránh làm người khác bị tổn thất.

Chỉ số 7 ngôi sao:

Phúc:

Lộc:

Thọ:

Tình:

Tài:

Duyên:

Tinh:

* (Cát)******** (Cát)******** (Hung)*** (Hung)

*** (Hung)

****** (Hung)

***** (Cát)

Vận hạn người tuổi Tỵ (sinh 2013, 2001, 1989, 1977, 1965)

Người tuổi Tỵ năm 2013 là năm bản mệnh, thái tuế lại gặp phục ngâm, nên có thể coi là năm khá khó khăn cho người tuổi Tỵ, trong đó xấu nhất là nam sinh năm 1965 và nữ sinh năm 1953. Do đó người tuổi Tỵ năm nay tránh làm việc lớn, làm việc gì cũng cần thận trọng, mới có thể gặp hung hóa cát, bình yên vô sự. Kịp thời đeo phật bản mệnh Phổ hiền bồ tát sẽ giúp hóa giải ít nhiều.

Về tài chính: là năm khảo nghiệm của người tuổi Tỵ, cần học trí huệ trưởng thành từ trong khó khăn. Khó khăn liên tục xuất hiện, thường gặp chuyện bất lợi, thường xuyên phải đấu tranh với vận mệnh của mình; chú ý tài chính cá nhân để tránh tổn thất, cũng như chi quá khả năng, cần biết cách tiết kiệm. Năm nay cũng dễ chơi nhầm bạn, hóa thành kẻ thù, mất quan hệ xã giao. Kinh doanh lên xuống thất thường, biên độ lớn, tiền không vào thì tâm lo lắng, tiền vào thì cơ thể suy yếu. Giữa năm bắt đầu có khởi sắc hơn, sau Lập đông mới thấy “chân trời”, tài vận tốt hơn.

Về tình yêu hôn nhân: người chưa kết hôn khá thuận lợi về mặt tình cảm, nhưng cần tuần tự tiệm tiến, do tình cảm năm nay cũng biến đổi thất thường. Người đã kết hôn gia đình dễ có chuyện, con cái cũng gây ra rắc rối, gia đình cũng có tin vui, như mua nhà hay chuyển chỗ ở. năm 2013, dù chưa kết hôn, hay đã lập gia đình, đều cần chú ý sự xuất hiện của người thứ ba, gây chuyện thị phi cũng như bất hòa, có thể chưa hẳn dẫn đến các hành động mờ ám, nhưng cũng ảnh hưởng xấu đến gia đình, thậm chí dẫn đến những tình huống dở khóc dở cười, thậm chí tác động xấu đến vận thế khác trong năm. Đeo thạch anh tím sẽ hỗ trợ tăng cường tình cảm.

Về sức khỏe: cơ thể khỏe mạnh, nhưng chú ý viêm dạ dày. Thực liệu và tập thể thao là phương pháp tốt nhất, nhưng cũng cần vận động vừa phải cũng như nghỉ ngơi hợp lý. Chú ý điều tiết tâm tư, cẩn thận do có những tổn thương bất ngờ. Đi đường nên thận trọng, nhất là những con đường chưa hoàn thành, đang thi công, nắp hố ga không đóng, cây đổ,…

Về hóa giải: nên đọc nhiều sách cũng như kết giao bạn bè, sẽ có lợi cho sự nghiệp. Chính tài ở mức độ bình thường, có tài sản ngoài, nhưng không được tham, càng không được lô đề, đánh bạc hay những hành động mạo hiểm khác, sẽ bất lợi cho tài chính. Nên tùy duyên làm việc thiện. Ngọc phong thủy nên đeo là thach anh tóc, thạch anh linh, hồng ngọc,…

Chỉ số 7 ngôi sao:

Phúc:

Lộc:

Thọ:

Tình:

Tài:

Duyên:

Tinh:

* (Hung)******* (Cát)* (Hung)******** (Cát)

******* (Hung)

** (Hung)

* (Cát)

ThS Nguyễn Mạnh Linh
Ban Phong thủy – Viện Phong thủy Thế giới
Ban Phong thủy – Viện Tiềm năng con người

Xem Vận hạn của bạn trong năm Quý Tỵ  phần tiếp theo

https://fengshuiexpress.com/van-han-12-con-giap-nam-2013-tiep-theo/